CHUYỆN HÂN “ NGỐ” Ở LÀNG GIA LỘC - Truyện ngắn của Đào Đức Trang.
Hắn ngẩng bộ mặt vừa chạm tuổi 60 mà đã đen đúa, nhăn nhúm vết chân chim nhìn ông anh trưởng bằng ánh mắt ngây ngây pha chút kiêu căng, cái miệng móm mấy răng cửa cười toe toét rồi vẫn giọng nói lắp quen thuộc phải mất hơn một phút mà chưa kín câu:
- Tiền... t.. iền... sữa ( sửa chữa ) ...sữ... ữa... nhà...
Nguyệt, người hàng xóm xấp xỉ tuổi hắn, gọi anh em hắn là chú ( vì mẹ hắn là em gái ông nội chồng của Nguyệt ) phải “phiên dịch” giúp, sau khi bảo hắn ngồi yên: Đại để là, căn nhà tình nghĩa thị trấn xây dựng trên mảnh đất cha mẹ hắn để lại cách đây hơn chục năm đã xập xệ, dột nát, vôi vữa bong tróc... Tháng vừa rồi, thị trấn cho 6 triệu, bà con tiểu khu quyên góp cho thêm 3 triệu để hắn sửa nhà. Hắn nhờ người điện thoại mời ông anh trưởng tên Cưu, gần 80 tuổi an cư ở nội thành về quê để tham vấn việc sửa nhà cho hắn...
***
Quê hắn, tiểu khu Hải Lộc thuộc thị trấn Cát Hải vốn là làng chài Gia Lộc. Hồi mới chào đời ( năm 1961 ) chừng dăm tháng, hắn là đứa trẻ trắng trẻo, béo tốt có khuôn mặt kháu khỉnh được giải nhất cuộc thi “ Bé Khoẻ Bé Ngoan” của làng. Cha hắn, đang từ một chủ tàu khách tuyến Hải Phòng - Cát Hải chấp hành đường lối “Xoá Bỏ Tư Sản Tư Nhân” đã trở thành thợ bốc xếp xi măng của nhà máy Xi Măng Hải Phòng. Mẹ hắn, theo gương chồng, bỏ buôn bán hoa quả để vào HTX muối. Hắn được sinh ra vào đầu giai đoạn “chuyển đổi nghề nghiệp” của cha mẹ nên dù cha mẹ hắn hết lòng hết sức phục vụ nhà máy, HTX để đổi lấy đồng lương ít ỏi ( không đủ để họ tự “ tái sản xuất sức lao động” của chính họ nên không thể chia sẻ “ thặng dư” cho gia đình, con cái mình...) nhưng vẫn bán dần đồ đạc... rồi đến cả nhà cửa để nuôi dưỡng anh chị em hắn. Thứ duy nhất còn giữ lại được là mảnh đất hiện hắn đang ở.
Nhà máy, HTX thời “quan liêu bao cấp” còn tồn tại thì nghèo đói, bệnh tật càng làm gia đình hắn điêu tàn: Cha hắn rách nát với bộ đồ công nhân vá chằng vá đụp, ông mất hướng đi trong cuộc sống, nghiện ngập rượu chè. Còn mẹ thì lao lực, kiệt sức ở tuổi hơn Bốn Mươi ( và qua đời khi 53 tuổi ). Anh chị em hắn, ở tuổi học trò thì mò cua bắt ốc, lớn thoát ly vẫn là con đường bộ đội, công nhân đã được định hướng sẵn để tự lo bản thân mình, ít dịp sum họp. Trong khốn khó đó, một lần Bé Hân ( tên cha mẹ đặt cho hắn ) bị sốt cao do viêm phổi được chữa trị chưa đúng cách, thành ra lúc khỏi bệnh, di chứng đọng trong não khiến hắn bị “ngố” khi mới hơn hai tuổi. Cái “ngố” của hắn từ từ biểu hiện ra theo thời gian, ngày càng tăng:
Hắn chậm biết nói và khi nói sõi rồi thì lại bị lắp. Những ngày đầu đến trường, hắn chỉ nhìn cô giáo và tủm tỉm cười, viết không thành chữ, ghép không thành vần. Bỏ học, ở nhà anh hắn dạy... vẫn chẳng chữ nào vào được đầu hắn. Và, hắn chịu để mình “mù chữ” ngay từ thưở thiếu niên nhi đồng!
Hắn có năm anh chị em. Trên hắn có hai anh và một chị. Các anh chị đều có gia đình riêng và ở xa, cha hắn đi làm trong thành phố cách sông nhỡ đò mỗi năm chỉ ghé nhà đôi lần. Ở lại làng Gia Lộc còn có mẹ, hắn và đứa em út tên Hoan. Ngày mẹ hắn phải nằm bệnh viện lao hàng năm sáu tháng trời, em hắn đi theo để chăm sóc, hắn ở lại quê. Trong làng, bạn cùng trang lứa với hắn kiếm củi dưới rừng sú vẹt, đào don cào ngao trên bãi cát, đi lưới vét lưới đóng bắt cá ven bờ biển... Hắn cũng theo đi nhưng bao giờ kết quả mang về gần như bằng không. Đổi lại, hắn chỉ biết làm những việc như quét nhà, nấu cơm và là chân sai vặt cho hàng xóm như đi mua tí thuốc lào, bao diêm hoặc chút mắm muối họ cơ nhỡ để rồi hắn được “thưởng” khi thì cái bánh viên kẹo, khi thì vài bát cơm độn ngô khoai... lúc hắn ở nhà một mình. Rồi, mẹ mất khi hắn tròn 16, thằng út 13. Vì hắn “ngố” nghề chài lưới nên em hắn bỏ học, đi đánh bắt cá nuôi sống cả hai. Ngoài nấu cơm, rửa bát hắn chỉ “lẩm bẩm” một mình cả ngày như đang nói chuyện với... ma. Cái bệnh “lẩm bẩm” lan sang cả ban đêm. Nhiều khi thằng em phải quát : “ Im ngay, đễ yên tui ngũ, sớm mai còn phãi đi làm ...”. Hắn cũng chỉ ngừng một lúc, tiếng “lẩm bẩm” lại phát ra xen lẫn tiếng gáy của thằng em khiến ai có việc ngang qua nhà anh em hắn cũng phát sợ.
Năm 1981, cha hắn nghỉ hưu về làng. Sau 24 năm làm công nhân, ông vẫn là người vô sản theo đúng nghĩa: Hai bàn tay trắng với tấm thân tiều tụy. Trợ cấp mỗi tháng không đủ cho ông tiêu một tuần. Ba đứa lớn còn gia đình vợ con luôn túng quẫn, không thể thêm gánh nặng cho chúng - Ông về ở với hắn và thằng út. Càng cuối thời bao cấp, cuộc sống càng khốn khó! Ông bàn rồi cùng thằng út thực hiện: Bán phần ba mảnh đất hiện hữu, lấy tiền sửa lại ngôi nhà rách nát và mua thêm lưới, xuồng nan để hai bố con làm nghề ( Trước khi ông về, thằng út đi đánh lưới thuê cho người trong làng ). Thế là mảnh đất khi ông chưa dời quê rộng hơn trăm mét vuông, giờ chỉ còn bảy chục mét vuông. Cha con ông phải làm thế để tồn tại, chứ hồi ấy biết trông cậy vào đâu khi mà mọi người nghèo khó như nhau, còn chính sách lại không khuyến khích tư nhân phát triển sản xuất! Hân “ngố” giờ thêm việc là sớm tinh mơ ra con kè chắn sóng của làng cùng cha và em khiêng xuồng xuống biển để hai người đi làm nghề. Chiều, hắn lại ra kè đón lưới, mang cá xuống chợ nhờ người bán hộ, lấy tiền mua gạo mua rau về lo bữa tối. Cuộc sống tưởng chừng êm ả giữa làng chài đầy ắp tình làng nghĩa xóm, nơi có gia đình hắn, “một túp lều tranh - ba trái tim vàng” tối tối cha con quây quần bữa cơm chén rượu vô cùng ấm áp. Hắn không còn “lẩm bẩm” nữa. Nhưng tật nói lắp của hắn ngày càng nặng - Đấy là khi hắn giao tiếp với người ngoài thôi, còn cha và em hắn lúc nào cũng hiểu hắn cả, khỏi cần hắn phải lắp bắp gì cho mệt ...
Các biến động lớn của đất nước những năm 80 thế kỉ XX: Chiến tranh với giặc Tàu biên giới phía Bắc và tay sai Pôn Pốt biên giới Tây Nam tạm ngưng nhưng vẫn còn tiếng súng dai dẳng tranh chấp, truy quét tàn quân địch, giữ gìn đất đai, bảo vệ đồng bào vùng giáp gianh của Tổ Quốc - Bế tắc trong duy trì nền kinh tế “quan liêu bao cấp” đang không còn thích hợp với đời sống người dân. Biến động đó tác động đến làng chài. Gia đình ba cha con hắn không ngoại lệ. Sau vài năm yên ả chài lưới, khốn khó cứ dần dần hiện ra mà không cách gì khắc phục nổi: Tiền bán cá không còn đủ để lo cho hai bữa ăn. Xuồng nan nát, bong tróc sơn không có tiền sửa chữa. Lưới cước cũ rách nhiều chỗ không tiền sắm mới. Hàng tiêu dùng thiết thân như quần áo, giày mũ... tăng giá phi mã, cha con hắn không dám mơ dùng đồ mới! ( Mặc dù hắn và thằng út đang tuổi phải ăn diện, mỗi lần thấy gái làng là đỏ mặt... nhìn lại trang phục của mình ). Và, ba cha con hắn lại tan đàn: Thằng út vào bộ đội hải quân khi vừa tròn 18 tuổi, trấn giữ biên giới biển phía Nam Tổ Quốc ( sau giải ngũ, ở lại lập nghiệp tại Phú Quốc hàng chục năm rồi chuyển về quê vợ Trà Vinh sinh sống đến tận bây giờ với hai đứa con và hai cháu nội ). Cha hắn đã quá đuối sức, bỏ hắn lại một mình. ( Ông trở lại nội thành tằn tiện đồng lương hưu để gắng gượng sống đến... một tối do gặp bệnh hiểm nghèo, ông gục ngã, qua đời ở tuổi 69! ) Hân “ngố” tái phát bệnh “lẩm bẩm” một mình, hắn như đang nói chuyện cùng cha và em với cụm từ mở đầu “ Giá như mà...” cha hắn đừng bỏ đi, em hắn ở lại quê vân vân và vân vân, hàng trăm lần như thế... suốt đêm, tưởng chừng hắn không cần ngủ mà vẫn sống được! Họ hàng và ông anh trưởng “chữa bệnh” cho hắn theo cách dân gian vẫn thường làm là... lấy vợ cho hắn!
Vợ Hân “ngố” quê Vĩnh Bảo ( Hải Phòng ) bỏ nghề nông, chuyên mang thuốc lào và hàng xén ( cái kim cuộn chỉ, dầu hoả, bóng đèn dầu ... ) tới làng hắn bán rồi mua cá khô mắm tôm đem trở lại quê. Nàng lấy hắn vì có chỗ để gửi gắm đi về và vì hắn dễ để sai vặt. Một lần nữa, hắn lại hưởng thụ cuộc sống gia đình, bệnh “lẩm bẩm” lại ... thuyên giảm và biến mất. Rồi vợ hắn có con ( mà người làng không tin đó là con hắn! ) Hắn càng quý con thì nàng lại càng muốn ... dời xa hắn. Khi đứa bé được 5 tuổi, mẹ con nàng bỏ hắn trốn biệt tăm. Hắn phát rồ khi về tận nhà cha mẹ nàng mà... không thấy! Có bận hắn ra tận Hòn Gai ( Quảng Ninh ) “ nếm mật nằm gai” ở những mỏ than “thổ phỉ” xúc , đội than thuê hàng tháng trời hòng để bắt gặp được vợ con ( vì nghe đồn nàng theo trai đang làm phu mỏ ) mà vợ con hắn vẫn ... mất dạng! Lầm lũi trong ngôi nhà xuống cấp đến độ xiêu vẹo, hắn lúc thì gào thét, chửi bới một ai đó không cụ thể, lúc thì “lẩm bẩm” vẫn điệp khúc mở đầu bằng cụm từ: “Giá như mà...” hắn đừng lấy vợ, đừng có con thì hắn đỡ đau khổ hơn vân vân và vân vân... Hàng xóm quen rồi, họ kệ hắn. Những người là họ hàng, láng giềng đi ngang qua để lại trước cửa nhà hắn khi thì cái bánh sắn nhân tôm luộc, khi thì bát cơm có thêm vài con cá kho kèm theo. Thương hắn, nhưng nhà nhà đều khốn khó, dân làng chỉ làm được có bấy nhiêu thôi.
***
Những năm thập niên đầu thế kỉ XXI, làn gió đổi mới từ cuối thế kỉ trước ngày càng làm kinh tế đất nước và đời sống người dân nâng cao không ngừng. Đổi mới về kinh tế được Nhà nước Việt Nam định nghĩa: Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước chấp nhận sự tồn tại bình đẳng và hợp pháp của nhiều thành phần: kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều hình thức:sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu hỗn hợp. (Tuy nhiên, kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo). Nhiều người dân quê hắn đã có đầm nuôi tôm, nuôi cá. Rồi xưởng tư nhân sơ chế thủy hải sản như sứa, rau câu... đua nhau ra đời xử lí sản phẩm thu mua được trước khi tỏa đi khắp đất nước và đặc biệt là xuất khẩu sang một số nước giáp biên. Sản vật quê hắn giờ đây có giá, người dân khấm khá hơn: Của ăn của để, xây nhà sắm xe;mua những dụng cụ hiện đại để hành nghề đánh bắt cá, làm lồng bè nuôi thủy hải sản... Hân “ngố” mặt mày cũng rạng rỡ hơn: tuổi năm mươi của hắn như được “hồi xuân”, người trong làng không thấy hắn “lẩm bẩm” nữa! Hắn đang bận rộn: Có tháng miệt mài trông coi lồng bè của vợ chồng Nguyệt, cháu hắn. Họ đầu tư một lồng bè nuôi cá ngoài Cái Bèo ( Cát Bà ) và hắn được thuê theo ra trông coi. Có năm hắn chuyên đi nhặt chè chai phế liệu, vừa góp phần làm sạch ngõ xóm, vừa tự cải thiện đời sống chính mình... Giờ đây hắn không phải lo miếng ăn hàng ngày, điều mà từ ngày sống cô độc trong ngôi nhà cũ nát hắn ước ao cũng chẳng được. Hơn thế, hắn còn được các tiểu chủ thuê hắn tặng quần bò áo phông và những đồ vặt sinh hoạt... khi họ bán được sản phẩm ra thị trường. Các cháu ( con các anh chị ruột hắn ) thời đất nước hưng thịnh này thường cho hắn, đứa ít, đứa nhiều những lần chúng về quê và cho bằng tiền mặt hẳn hoi. “Ngố” như hắn cũng bắt đầu nghĩ tới tích lũy tí chút phòng thân lúc tuổi già: Hắn “ăn mắm mút dòi” tằn tiện, để dành tiền gửi người làng cầm hộ, mỗi tháng một ít... Quê hắn cũng dần “đô thị hoá”: làng hắn sát nhập với hai làng khác là Hoà Quang và Cao Minh thành thị trấn Cát Hải, có điện, có đường ô tô, có nhà mặt phố với đầy đủ các xưởng mộc, cơ khí; nhà hàng, dịch vụ ... thoả mãn nhu cầu người dân huyện đảo. Nhà nước lại cho làm Cảng Lạch Huyện lớn nhất miền Bắc, làm cầu Tân Vũ dài nhất Đông Nam Á nối nội thành Hải Phòng với quê hắn. Nhà tư bản Nguyễn Nhật Vượng và tập đoàn Vingrup xây dựng Nhà Máy Ô tô Vin fat đã ra sản phẩm bán khắp đất nước và đang chào bán ở thị trường Âu - Mỹ. Rồi cáp treo cao nhất nước phục vụ du lịch từ Cát Hải sang Cát Bà đang hoạt động ... Các bô lão làng hắn gọi đây là sự đổi thay vĩ đại của huyện đảo mà thời “quan liêu bao cấp” không tưởng tượng nổi vì dù “đô thị hoá” mà các đình chùa quê hắn ngày càng được tu sửa tráng lệ và các lễ hội vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Việt, đậm đà phong tục vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ! Tất nhiên, “phú quý sính lễ nghĩa”, chính quyền các cấp đã “để mắt” nhiều hơn tới các hộ chính sách ( có công chống giặc ngoại xâm các thời kì ), người già cô đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn. Hân “ngố” được tiểu khu dựng lại nhà từ năm 2010, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt được trợ cấp thường xuyên mỗi tháng số tiền tương ứng 15 kg gạo + 2 kg thịt lợn để tuổi già của hắn bớt nghèo đói, đời sống hoà nhập cùng dân làng trong ấm no hạnh phúc... cho tới bây giờ. Xấp xỉ U - 60, hắn không phải làm những việc cực nhọc mà thay vào đó, hắn giúp hàng xóm, người trong tiểu khu những việc vặt vãnh như mang vác đồ đạc, lau chùi nhà cửa đồ dùng cho họ. Người ta thấy cái miệng móm của hắn luôn tươi tắn với nụ cười tủm tỉm thường trực!
***
Đại họa Covid 19 ập đến bắt đầu từ Vũ Hán ( nước Tàu ) tràn ngập khắp thế giới suốt từ tháng 12/2019 tới 8 giờ sáng 17/12/2021 đã làm 5,33 triệu người tử vong trong 272 triệu người mắc. Việt Nam có 28 616 người tử vong trong 1,46 triệu người mắc. Kinh tế thế giới kiệt quệ và Việt Nam cũng không ngoại lệ! Quê của Hân “ngố” suốt hai năm qua làm ăn chập chờn, tất cả chỉ lo “chống dịch như chống giặc” ... thủy hải sản làm ra không xuất khẩu được, các cửa hàng dịch vụ dân sinh hoạt động cầm chừng, các lễ hội đông người không được tổ chức, mọi người luôn luôn thực hiện 5 K ( “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" ) để giữ an toàn cho mình và mọi người. Người có hoàn cảnh khó khăn tăng dần. Các cháu ruột hắn ở nội thành làm ăn cầm chừng. Các anh chị hắn lại Bảy Mươi, Tám Mươi tuổi, còn hắn cũng ở tuổi Sáu Mươi. Hắn cũng thấy mình bắt đầu đau yếu già nua trong khi căn nhà tiểu khu xây cho cách đây hơn chục năm đã xuống cấp... Thật may, hắn vẫn được chính quyền chăm lo trợ cấp thường xuyên: Trong đại dịch mà nhà nước, dân làng không bỏ rơi hắn !
Hắn còn được cho tiền sửa sang nhà cửa giúp an phận tuổi già. Hắn “sướng” ra mặt, lấy tiền tích góp bấy lâu nay thêm vào việc sửa nhà cho bền đẹp hơn. Hắn mời ông anh trưởng về vừa là tham vấn sửa nhà vừa là để “khoe” thành tích “tiết kiệm” tự thân lập thân của mình...
LỜI NGƯỜI KỂ CHUYỆN: Từ tháng 10/2021, nhằm tránh bế tắc cho nền kinh tế trong Đại Dịch Thế Giới Covid 19, ngoài việc quyết tâm bao phủ (việc tiêm) vắc xin cả nước, chính phủ có chính sách mới: vừa chống dịch vừa giữ vững và phát triển sản xuất để ổn định được đời sống nhân dân. Người kể chuyện chân thành cảm ơn những người đang thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập, đưa đất nước thoát nghèo, giúp đỡ những mảnh đời thiểu năng như Hân “ngố”. Chúc làng Gia Lộc ( nay là tiểu khu Hải Lộc thị trấn Cát Hải ) ngày càng thịnh vượng, ấm no hạnh phúc.
Cát Hải 12/2021
Đ Đ T