Lướt qua kiếp nhân sinh - Tản văn của Cánh Vạc Tím
Thôi kệ! Mọi sự tuỳ duyên.
Nghe đơn giản thế, nhưng làm được điều này là cả một quá trình tu luyện công phu. TUỲ DUYÊN không phải là tuỳ tiện hay bỏ xệ luôn, mà là thuận theo tự nhiên; không mong cầu, không miễn cưỡng, nóng vội hay lo lắng. Được cũng không kiêu căng tự đắc; mất cũng không nản lòng, oán trách, bi quan, hay hoảng sợ. Hãy luyện tập cho mình một tâm thái bình tĩnh ung dung giữa ĐƯỢC và MẤT. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã dạy:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Tạm dịch:
Sống giữa phàm trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo. Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà có sẵn của báu*, đừng tìm ở nơi đâu khác. Đối diện với mọi cảnh mà tâm không dính mắc, thì đâu cần hỏi chi thiền. (*Ý nói Phật Tánh ở trong ta, hay Phật tại Tâm).
Ảnh sưu tầm.
TU HÀNH không có nghĩa gì cao siêu cả, mà chỉ là sự tu sửa bản thân. Tu không phải để mưu cầu sự hoàn hảo, mà là học chấp nhận sự không hoàn thiện; để thấu hiểu, cảm thông, tha thứ và bao dung hơn. Càng tu sửa thì tình thương và trí huệ càng rộng mở. Biết chấp nhận những điều không thể thay đổi được; nhẫn nhịn chịu đựng sự gian khổ, bất công, sự phỉ báng hay vu khống của người khác với một tâm thái an nhiên không oán giận. Như Chúa Giê Su trước bị đóng đinh, vẫn xin Thượng Đế tha thứ cho “kẻ thù” của mình. Học mở lòng bao dung, bình thản như đất, như nước. TÂM AN tịnh được thì mới phát HUỆ. Bản thân của nước không có sóng, không có thác ghềnh. Sóng và thác ghềnh là do những điều kiện ngoại cảnh tác động vào như gió, địa hình cao thấp, đất đá cheo leo, lồi lõm, mà tạo thành. Do đó nước mới là thực; sóng, nước xoáy, thác đổ chỉ là những biểu hiện, không có thực. (Cái gì sẽ mất đi là giả, không thực).
Ý nghĩa của kiếp nhân sinh không nằm ở việc mình đạt được những gì, mà ở chỗ BUÔNG BỎ được bao nhiêu. Kẻ phàm tục tự hào và đo lường mức độ thành công bằng thành quả vật chất, trong khi người tu hành chân chính lấy việc buông bỏ làm vui, và việc đạt được TRÍ HUỆ làm mục đích, làm “sự nghiệp”. Vậy buông bỏ là gì? Cái gì vốn không phải của mình là buông bỏ. Bởi lẽ khi mình đến Thế Giới này, mình không mang cái gì cả. Buông bỏ những thứ làm tôn vinh cái BẢN NGÃ (cái TÔI) của mình: địa vị, bằng cấp, sự nổi tiếng, nhà cửa, tài sản ..., những thành công hay thất bại; những điều đau khổ, lẫn tốt đẹp,... Cái gì cầm lên được thì phải buông xuống được.
Có câu: “Đức năng thắng số”; hay “Có đức mặc sức mà ăn.” Tâm bạn rộng lớn hay chật hẹp quyết định vận mệnh của chính mình. Đừng làm gì cũng “cạn tàu ráo máng” quá; đừng nói những lời cay nghiệt, mạt sát cho thỏa cơn tức giận. Đừng dồn ai đó vào đường cùng. Mà hãy nhớ chừa lại một lối cho người khác đi, cũng chính là chừa cho mình một đường lui.
Học cách yêu thương chính mình; điều chỉnh bản thân và biết tự an ủi mình khi đau khổ hay thất bại. Cuộc đời là vô thường, thì có gì là vĩnh cữu. Ai đó không yêu mình thì coi như không duyên nợ. Thế gian này còn nhiều người yêu thương bạn. Đừng dại dột huỷ hoại thể xác hay tinh thần của mình. Hoặc có thể, người đó không đủ phước báu để có được bạn. Luôn khẳng định hướng về một phía trước tươi sáng hơn. Khi bạn vui vẻ hạnh phúc, thân tâm thanh nhẹ thì bạn sẽ lan tỏa ra một từ trường khẳng định, thanh thoát và yêu thương; và tất nhiên sẽ thu hút những điều tương tự đến với mình (theo quy luật “đồng thanh tương ứng”.)
Thời gian không chờ đợi ai bao giờ. Và cuộc đời cũng không đủ dài cho những chuỗi chần chờ của bạn. Bởi lẽ:
Ngồi đếm trăm năm thấy cũng dài
Thế rồi không quá một tầm tay
Nghìn thu gói trọn trong vài phút
Thoảng đến rồi đi như gió bay…
(Thơ Thích Tánh Tuệ)
Bởi thế, đừng mãi do dự hay suy nghĩ một việc gì. Cái gì nghĩ không ra, thì thôi đừng nghĩ nữa. Cứ thong thả đi ngủ một giấc cho ngon lành. Rồi sáng dậy, cái ý tưởng đầu tiên thoáng qua (trước khi bạn sử dụng đến đầu óc) thì bạn nên lắng nghe và làm theo đó. Đó là trực giác, là khi linh hồn mách bảo. Hãy tập thói quen để linh hồn (hay còn gọi là PHẬT TÁNH, chủ nhân ông) điều khiển, đừng để đầu óc sai khiến, và cũng đừng làm nô lệ cho cái xác thân này. Bởi vì bạn là Phật Tánh, là Trí Huệ sáng suốt, cái thân này chỉ là phương tiện để cho bạn nương vào đó mà tu hành để nhận biết được Phật Tánh và để được GIẢI THOÁT khỏi luân hồi sanh tử. Đây chính là mục đích cứu cánh của đời người!
Khi xem nhẹ mọi việc thì sẽ được hạnh phúc. Chuyện hôm nay dù có lớn đến mấy đến ngày mai cũng thành chuyện nhỏ và cũ. Hôm qua đã là quá khứ không thể thay đổi; Còn ngày mai thì chưa tới cho nên vẫn còn là một ẩn số; vậy lo lắng, ưu tư chẳng những không được gì mà bạn lại mất đi một ngày an vui để sống. Sống tốt và hết mình cho hôm nay để ngày mai không phải hối tiếc. Sống tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Chiến thắng chính mình mới là chiến thắng thật sự.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Đau ốm, bệnh hoạn, mất mát,...là để trả nghiệp và để thấu hiểu lẽ vô thường. Thất bại để học tính khiêm tốn và học cách đứng dậy...Có những việc càng cố tình níu kéo, nắm giữ thì càng rời xa. Vậy cứ để tuỳ duyên. Tập sống đời đơn giản, không phán xét. Thay vì phán xét, chỉ trích, hãy thay vào đó bằng một lời cầu nguyện Trời Phật ban phúc lành và soi sáng cho họ. Hãy ban trải tình thương đến muôn loài. Hãy từ bỏ những khẩu vị ăn uống không từ bi, không lành mạnh; chuyển sang lối sống trường chay, yêu thương và thiền định. Để những đám mây u ám trong lòng bạn tan biến, cho vầng dương toả rạng trong tâm. Hãy nuôi dưỡng thân-tâm mình trong sáng để nhẹ nhàng lướt qua kiếp nhân sinh, cùng dìu nhau đi về bến Giác:
Nếu có thể đừng than chi số phận
Gạt nỗi buồn vướng bận gió cuốn đi
Đời ngắn lắm yêu thương còn chưa đủ
Sao bận lòng cho những phút sân si (Thơ An Nhiên)./.