Một món quà tôn vinh phụ nữ-Bài của KIM QUỐC HOA

Nhân kỉ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1030 - 20/10/2020), Hội Thơ Đường luật Việt Nam có sáng kiến phát động sáng tác, xuất bản tập thơ mang tựa đề ”Giai phẩm 90 nữ thi nhân” như một món quà nhỏ tôn vinh phụ nữ. Ngoài một số tác giả đã đi vào lịch sử, hoặc đã quá cố (Ngô Chi Lan, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Ngân Giang, Trịnh Thu Loan, Nguyễn Thị Kim Tuyên), Ban biên tập chọn đúng 90 tác giả đương đại trong số hơn 200 người gửi tham gia gần 500 bài. (Hội Thơ Đường luật Việt Nam có hơn 400 hội viên là nữ).


Thơ Đường luật, một trong hai thể thơ truyền thống tồn tại, phát triển mạnh mẽ ở nước ta là thơ Lục bát và thơ Đường luật. Tập “Giai phẩm 90 nữ thi nhân” mang dấu ấn của trào lưu sáng tác, quảng bá, bảo tồn thể loại thơ trí tuệ, độc đáo, nghiêm ngặt về niêm luật này . Trong dòng chảy lịch sử văn học hơn một nghìn năm, dân tộc ta tiếp thu thơ Đường của Trung Quốc, các trí thức, giới tu hành thời bấy giờ (phát triển từ thời nhà Lý) đã sáng tạo (Việt hóa nên gọi là thơ Đường luật) để có nhiều áng thơ bất hủ, lan tỏa trong đời sống xã hội mà nổi tiếng như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trải, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát,Tản Đà, Hồ Chí Minh,v.v… Ngày nay, dưới ánh sáng nghị quyết Trung ương V, khóa VIII của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì thơ Đường luật trở thành một trào lưu “trăm hoa đua nở”. Nếu như đời nhà Đường (Trung Quốc) có tổng số bài thơ được công bố khoảng trên dưới 50.000 bài thì ở nước ta từ thời nhà Lý đến nay tống số bài Đường luật đã công bố nhiều gấp hơn 5 lần  như thể! Đó là một thành tựu sáng giá trong lịch sử văn học.  Công lao đó là sự đóng góp quan trọng của các bậc tiền bối và Hội Thơ Đường luật Việt Nam, trong đó có hàng trăm nữ thi nhân.

PGS.TS Ngữ văn Nguyễn Thị Bích Hải (Đại học Huế) nhận xét:” Ngắm 90 bức chân dung yêu kiều của 90 nữ tác giả thơ Đường Việt Nam đương đại và đọc 291 bài thơ Đường luật của các chị, tôi bất giác mỉm cười và được thêm một lần chứng ngộ, rằng dòng dõi Bà Trưng chẳng những “Anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang” mà còn là những cây bút tài hoa. Điều đáng mừng là nơi đây hội tụ những cây bút của mọi miền Tổ quốc từ Điện Biên đến Đồng Tháp, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái và hầu hết các chị là hội viên Hội Thơ Đường luật Việt Nam”.

Trong tập “Giai phẩm 90 nữ thi nhân” hầu hết các tác giả sáng tác đều đạt chuẩn về niêm luật thơ Đường (Đường luật). Ngoài gieo vần thì phải là đối, biết vận dụng ngôn ngữ, hình ảnh, ví von, tả cảnh, tả tình thể hiện mọi cung bậc cảm xúc, đều nhập cuộc để “vào nhà tỏa ngát vị cơm quê”(Bài Chiều về xóm nhỏ của Nguyễn Thị Kiên Tâm, hội viên trẻ nhất). Các chị bộc lộ tâm trạng riêng tư một cách sâu sắc, thể hiện như những “bài thơ cuộc đời”, toát lên thân phận người phụ nữ:

Tâm sự miên man khó giãi bầy

Hỏi lòng ai thấu nỗi chua cay

Thâu đêm mà nhạt buồn son phấn

Rạng sáng chân côi nản dấu giày.

(Niềm riêng-Vạn Lộc)

Cổ Kim Loan Phượng đâu rời bạn

Riêng một góc trời ta với ta.

(Riêng một góc trời –Nguyễn Thị Lệ- Hoa Đăng)

Thơ các chị đi sâu ca ngợi truyền thống dân tộc, tình yêu đất nước, liên tưởng quá khứ, suy ngẫm hiện tại, vịnh phong cảnh và niềm kiêu hãnh với hình ảnh người phụ nữ đương thời trong điều kiện bình đẳng giới, sự đa tình, thủy chung, hiếu thảo, giàu lòng nhân ái, khát vọng cuộc đời gửi gắm vào thơ:

Nghỉ hưu kết bạn cùng thơ phú

Thắp sáng niềm tin mãi rạng ngời

(Tỏ bày- Trần Thị Thanh Thủy)

Niềm vui phấn chấn với thu đây

Bạn gửi vào thơ cảm xúc đầy

(Thu đến - Đỗ Thị Bích Thủy)

Với không gian rộng và biên độ thời gian cũng rộng, 90 nữ thi nhân xâu chuỗi nhiều đề tài đa dạng, phong phú. Từ cảm hứng về truyền thống lịch sử, tôn vinh các anh hùng, liệt ãi, ngợi ca đất nước, con người và sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, hướng tới một đất nước phồn thịnh, hạnh phúc; đồng thời cũng toát lên nội tâm giới nữ, không hiếm thân phận đa doan, “giống đa tình’ lãng mạn nhưng cũng đủ bản lĩnh, nhân cách, phẩm chất cao quý của Phụ nữ Việt Nam.

K.Q.H