Quỹ hỗ trợ sáng tác văn học không phải là “miếng bánh”!...

Từ năm 1995 đến nay, hàng năm, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ thuộc các hội VHNT từ Trung ương tới các Hội VHNT địa phương; trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, lâu nay, hiệu quả sử dụng kinh phí hỗ trợ sáng tác chưa cao. Hi vọng rằng, Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra hôm nay này sẽ đề ra phương hướng nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, trong đó, phát huy hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Văn học Nghệ thuật Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 06/02/1995 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu là góp phần “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Từ đó đến nay, hàng năm, Nhà nước đã chi hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật...

So với các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác, Hội nhà văn Việt Nam không những được Nhà nước đầu tư kinh phí hỗ trợ sáng tác mà còn được hưởng nhiều chế chế độ ưu đãi khác như trụ sở, biên chế, phương tiện hoạt động v.v. Đây là là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với văn nghệ sĩ nước nhà.

Thế nhưng, thực tế đã diễn ra nghịch lí là, nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với các Hội Nhà văn càng cao thì chất lượng tác phẩm càng thấp. Những năm gần đây, tác phẩm văn học ra đời vô cùng nhiều nhưng không có tác phẩm nào nổi bật; không thể so sánh được với những tác phẩm xuất hiện vào thời kì đầu của công cuộc đổi mới; càng không thể so sánh với tác phẩm của các nhà văn lớn thuộc lớp trước như: Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi v.v. Cách đây hơn 30 năm, khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ sáng tác, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đã rực rỡ với những truyện ngắn đặc biệt xuất sắc như “Muối của rừng”, “Tướng về hưu”, “Những người thợ xẻ”, “Chảy đi sống ơi”, “Bài học nông thôn”...của Nguyễn Huy Thiệp; với các tiểu thuyết: “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường”; với “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh; với “Bến không chồng” của Dương Hướng... Chúng tôi cho rằng, đây là đỉnh cao của nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới; đến nay, chưa có tác phẩm văn học nào sánh được! Những nhà văn, nhà thơ viết kịch bản sân khấu trong những năm đầu của công cuộc đổi mới như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình. Tất Đạt...cũng đã tạo nên hiện tượng sân khấu Việt Nam mà từ đó đến nay, không ai vượt qua.

Vì sao Nhà nước đầu tư cho nhà văn càng nhiều, chất lượng nghệ thuật ngày càng thấp? Nghịch lí này không dễ lí giải bởi rất nhiều nguyên nhân. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nêu vấn đề sử dụng tiền hỗ trợ sáng tác của Nhà nước đạt hiệu quả cao; mang lại những tác phẩm văn học đích thực chứ không phải đây là miếng bánh để chia chác!

Người viết bài này cũng là nhà văn, có nhiều bạn bè làm văn chương nghệ thuật, nên được biết, sáng tạo VHNT là nhu cầu tự thân và là hoạt động độc lập của nhà văn. Có người, được Nhà nước đặt hàng nhưng chưa hẳn đã viết được tác phẩm hay. Trái lại, khi cảm xúc dồn nén, nhu cầu sáng tác đòi hỏi, có thể họ xuất thần, thăng hoa thành tác phẩm lớn. Mặt khác, những nhà văn chân chính, nhân cách lớn, luôn giàu lòng tự trọng, ghét thói nịnh bợ, xin - cho. Tôi được biết, nhiều nhà văn rất nghèo, viết hàng năm trời mới hoàn thành tác phẩm, không có tiền để in, nhưng quyết không làm đơn xin kinh phí hỗ trợ sáng tác. Tôi cũng được biết, nhiều tác phẩm, bộ tác phẩm, chất lượng thấp, nhưng vẫn được in ra bởi nguồn tài trợ của Nhà nước.

Người viết bài này đã từng được dự một số trại sáng tác văn học và biết, có nhà văn, sau trại viết, gửi bản thảo lên ban tổ chức gọi là có; thậm chí không cho ra đời tác phẩm nào nhưng không ai kiểm điểm; không ai truy thu nguồn kinh phí đã nuôi “báo cô” nhà văn suốt thời gian ở trại sáng tác. Cho hay rằng, lâu nay, việc sử dụng Quỹ hỗ trợ sáng tác của Hội Nhà văn thiếu chặt chẽ, thậm chí không tránh khỏi tình trạng xin- cho? Kết quả là, nhiều tác phẩm chất lượng thấp vẫn được ra đời; nhiều tác phẩm hay hoặc dự định sáng tác của nghệ sĩ không được hỗ trợ, khuyến khích như đã nêu trên. Tình trạng này giống như “Dê vào nhầm nhà, bò vào nhầm chuồng” trong sử dụng kinh phí xóa đói giảm nghèo tại một số địa phương mà báo chí đã nêu.

Tình trạng này không chỉ xảy ra trong lĩnh vực hỗ trợ sáng tác mà còn xảy ra  cả trong việc trao giải thưởng tác phẩm và kết nạp hội viên mới. Đợt trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn vừa qua là ví dụ, khiến dư luận chê trách, báo chí lên tiếng. Nhiều tác phẩm được trao giải nhưng chất lượng thấp; một số hội viên mới kết nạp không có tác phẩm nào đáng kể, thậm chí có tác giả còn “đạo” văn; khi báo chí nêu, Hội Nhà văn phải thu hồi quyết định.

Thiết nghĩ, Hội Nhà văn Việt Nam cần tổ chức lại việc thực hiện Quỹ hỗ trợ sáng tác, đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, đúng mục đích để nền văn học Việt Nam có những tác phẩm mang giá trị nhân bản; có sức sống bền lâu, góp phần “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.

Cao Thâm