Người lập kỷ lục tạc chân dung Picasso bằng than đá
Từ một công nhân làm hàng mỹ nghệ bằng than bậc 3/7 của Mỏ than Cọc Sáu, đến nay, Nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm đã tạc khoảng 1200 bức tượng nghệ thuật. Nhiều nhà phê bình mỹ thuật coi ông là “hiện tượng điêu khắc hiện đại của Việt Nam”; Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng mới công nhận ông đã xác lập kỷ lục: “ Người tạc chân dung Picasso bằng than đá” nhiều nhất Việt Nam. Hiện, tác phẩm của ông bằng than đá còn 3… kho, với khoảng 400 bức.
Từ những hòn bi sứ…
Đến phố Bùi Thị Xuân (T. P Hạ Long), hỏi nhà ông Nguyễn Tâm Nhâm, hình như ai cũng biết: Nhà ông ấy ở cuối phố, số nhà 34A…”. Tôi đi kịch phố rồi vẫn không tìm được số nhà, bèn hỏi thăm tiếp: “Anh phải gửi xe máy, rồi leo hết cái dốc này sẽ tới. Ôi trời, phố xá gì mà leo núi bạc cả mặt! Tôi phải ở trên cao này mới rộng rãi, có chỗ để đục đẽo, tập kết vật liệu, đặt tượng; chứ ở dưới phố, ầm ĩ, chen chúc, không hạp. Đất nhà tôi rộng lắm, hơn ba nghìn mét vuông, ông ạ. Nói đoạn, Nhâm đưa tôi vào nhà. Ấn tượng thật mạnh đối với tôi là những bức tượng chân dung đặt trang trọng ở phòng khách. Các bức tượng của ông ít đặc tả chi tiết nhưng ta vẫn nhận ra các nhân vật với tư tưởng, tính cách nổi bật thông qua các điểm nhấn. Các điểm nhấn là những khối tròn, mang tính khái quát rất cao.Tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vầng trán tròn, mái tóc không đặc tả từng sợi mà là vành nguyệt quế, như thủ lĩnh thời La Mã mà vẫn toát lên sự uyên bác, nhân hậu; tượng Picassso lập thể, mái đầu tròn nhuần nhụy, khiến ta liên tưởng đến tư tưởng tiến bộ của nhà danh họa bao trùm mọi mầu da; tượng Nhà văn Nguyễn Tuân với bộ ria trứ danh và mái tóc trĩu nặng phía sau, đầy chất lãng tử; tượng cô gái (vợ anh thời trẻ), chỉ nhỉnh hơn đầu đũa, là những khối tròn văn vắt. Tôi bèn hỏi: Sao tượng của ông sử dụng nhiều khối tròn là vậy?. Nguyễn Tâm Nhâm giải thích, rằng, khối tròn là khối cơ bản trong điêu khắc. Rồi ông kể, thời bé, ông thường tìm những hòn bi sứ đường điện cao thế mang về ghè, mài nhẵn để chơi bi; lớn thêm một tý, ông đẽo những hòn chặn giấy, sư tử bằng than bán cho các chuyên gia nước ngoài sang giúp ta xây dựng mỏ mới. Chính ông cũng không ngờ được rằng, những trò chơi từ thời thơ ấu ấy đã đi suốt cuộc đời ông và chúng trở thành ngôn ngữ cơ bản của điêu khắc; đưa ông trở thành nhà điêu khắc có tài trong việc chinh phục chất liệu than bằng sử dụng khối.
Khi ông lập kỷ lục về tượng Picasso, nhiều tờ báo đã đưa tin, viết bài về ông. Nhà phê bình mỹ học Phan Cẩm Thượng viết: “Với 56 bức tượng Picasso đã giúp ông (ông Nhâm) đi lại trong thế giới than đá nhiều chiều, nhiều hướng, cốt tìm ra mình, ra người, không phụ thuộc vào trật tự có trước”. Đọc những bài báo viết về ông, tôi cứ tưởng ông chỉ chuyên tạc tượng chân dung, trong đó chủ yếu tượng picasso.Nhưng đến nhà ông mới biết, tác phẩm của ông không không chỉ có chân dung, mà còn rất nhiều những tác phẩm bố cục. Các giải thưởng dành cho ông từ trước đến nay đều thuộc mảng này như các tác phẩm: Tình yêu; Kéo lưới…và hàng loạt tác phẩm bố cục khác như Đại ngàn; Bóng nguyệt; Tắm; Suy tư; Mẫu tử, Sóng; Khỏa thân vuông v.v. là những tìm tòi, sáng tạo với sự khái quát cao về ý tưởng nhân bản và những triết lý sâu sắc.
Tuy nhiên, kỷ lục của ông vẫn là Picasso. Vì sao lại Picaso? Ông hào hứng rằng: Picasso là thiên tài. Lý tưởng của ông là chiến đấu vì một thế gới hòa bình. Picasso từng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp; từng từ chối Bắc đẩu Bội tinh. Picasso là bạn của Bác Hồ. Có lần, Bác Hồ sang Pháp, Picasso từng nói với Người rằng, Thưa ngài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu ngài không làm lãnh tụ thì ngài cũng sẽ trở thành một danh họa (Tạp chí Mỹ thuật VN). Tác phẩm của Picasso lập thể. Ngôn ngữ của ông giầu nội tâm, gần gủi với con người…Nói đoạn, Nhâm còn lôi cả sách triết học, mỹ học ra để lý giải, chứng minh cho tình yêu của ông với Picaso, nhưng người bạn đi cùng tôi tỏ vẻ sốt rột. Khi đó Nhâm mới chịu… “tắt điện”!
Không chỉ mỗi Nguyễn Tâm Nhâm tạc tượng bằng than. Nhưng…
Tại 16, Ngô Quyền, Hà Nội, Nguyễn Tâm Nhâm đã có triển lãm riêng, chuyên về tượng than, gồm 36 bức. Đây là triển lãm chất liệu than đầu tiên ở nước ta. GS-TS Nguyễn Ngọc Dũng- một trong những nhà phê bình mỹ thuật hàng đầu Việt Nam, trong bài viết của mình đã khẳng định: Nguyễn Tâm Nhâm là hiện tượng của điêu khắc hiện đại Việt Nam; còn Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật điêu khắc thì cho rằng: Tâm Nhâm là người có công khai phá cho nền mỹ thuật Việt Nam một chất liệu mới là than đá.
Thực ra, Tâm Nhâm không phải là người đầu tiên sử dụng chất liệu than đá! Năm 18 tuổi, Nhâm được Mỏ than Cọc Sáu tuyển dụng vào ở xưởng chế tác than. Khi đó xưởng này đã có các ông Hoàng Dương Thanh, Lê Đình Thành, Nguyễn Đức Thắng.v.v. chuyên tạc gạt tàn thuốc lá, sư tử, con nai… bằng than để mỏ làm quà lưu niệm, hoặc bày bán. Trước đó cũng có một số nhà điêu khắc ở Hà Nội xuống sáng tác bằng than. Và hiện nay, ở Quảng Ninh có khoảng 70 người chuên làm điêu khắc bằng than. Tuy nhiên, ngoài bức chân dung bằng than của Nhà điêu khắc Văn Hòe trước đây, còn lại là những sản phẩm mang tính sao chép vụn vặt, không mấy giá trị về nghệ thuật.Từ năm 1978, Giáo sư Nguyễn Văn Y, người chuyên nghiên cứu về chất liệu đã viết ở Cảm Phả, Quảng Ninh, than đá chưa được khai thác như là chất liệu sáng tác.Thật là một điều đáng tiếc. Và, Nguyễn Tâm Nhâm được giới mỹ thuật coi là hiện tượng bởi ông là người đầu tiên đưa tư tưởng, những xúc cảm thẩm mỹ thăng hoa mãnh liệt trong một chất liệu khó tính, đó là than đá.
“Quen mồm rồi...”
Nhiều người cho rằng, Tâm Nhâm có tài bẩm sinh. Tôi lại thấy không hoàn toàn đúng như vậy. Mặc dù tôi được biết, ông là con một người thợ gò giỏi, ít nhiều được thừa hưởng tài hoa từ người cha. Nhưng nếu không được gắn bó với vùng than, không có tình yêu với than, với những người thợ mỏ và không kiên trì học tập, nghiên cứu thì năng khiếu của ông khó mà được thăng hoa phát tiết như hôm nay. Khi vào mỏ Cọc Sáu, ông mới hết lớp 7. Bằng con đường tự học, ông đã tốt nghiệp phổ thông, đạt tay nghề bậc 7, rồi vào học trung cấp, rồi được tuyển thẳng vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp
Mỏ Cọc Sáu, ngoài ông còn có nhiều công nhân mỏ nay đã thành tài như NSND Quang Thọ, các nhà văn Võ Khắc Nghiêm, Nguyễn Sơn Hà, Vũ Thảo Ngọc, Trần Đình Nhân.v.v. Có người được Mỏ trả lương ăn rồi chỉ viết như nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp vậy. Tâm Nhâm cũng sống và sáng tác trong sự quan tâm săn sóc ấy. Năm 2004, ông được Tổng Giám đốc Than Việt Nam “xin” ông về văn phòng Tổng Công ty làm việc với chế độ đặc biệt.
Người mới tiếp xúc với ông sẽ thấy khó chịu bởi ông nói nhiều, nói to. Tôi trộm nghĩ, cái kiểu ăn nói không giống ai như ông, ở nơi khác chắc sẽ có kẻ ghét, rồi chưa biết chừng khó ngóc đầu lên được! Nhưng thực ra, trong câu chuyện ầm ĩ dài tập của ông chỉ thấy nói về than, về mỏ, về nghệ thuật, về triết học, văn học, với ngùn ngụt niềm say mê; tuyệt nhiên không nói động đến ông nọ bà kia, về những thói tục ở đời. Còn cái nết nói to, có lần tôi góp ý, ông rằng, sống lâu ở Vùng mỏ, ăn to nói lớn quen mồm rồi.!...