Số phận các tác phẩm văn học được trao giải
(Toquoc) - Tác phẩm văn chương sau khi được trao giải, không giống như hào nhoáng của một cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Nhà văn thì coi 'đứa con' được giải như đã trưởng thành và tự bơi với đời để lặng lẽ thai nghén 'đứa con' khác. Còn công chúng thì đôi khi ngơ ngác tự hỏi, các tác phẩm đó đi về đâu (?).
Hàng năm, nếu căn cứ vào tác phẩm đoạt giải thưởng thường niên, kể cả khi “được mùa” hay “mất mùa” ở một số chuyên ngành thì chưa bao giờ ở ta sạch trơn, đấy là chưa tính, cứ theo chu kỳ vài ba năm lại có những cuộc thi, những cuộc tập hợp với quy mô lớn, rộng khắp như cuộc thi truyện ngắn, cuộc thi tiểu thuyết với quy mô toàn quốc.
Cho đến nay, chưa có một phép thống kê chính xác có bao nhiêu tác phẩm văn học đoạt giải thưởng nhưng chắc chắn đó là một con số không nhỏ. Tất nhiên, với độ lùi nhất định không phải tác phẩm nào đoạt giải thưởng cũng đứng vững về mặt giá trị nghệ thuật. Nhưng dù thế thì ít hay nhiều, trong quan niệm của nhiều độc giả, các tác phẩm văn học đoạt giải thưởng vẫn là những tác phẩm được (Đơn vị tổ chức - Ban giám khảo) đánh giá cao tại thời điểm đó.
Vậy các tác phẩm sau khi được vinh danh giải thưởng thì sao?
Thường các tác phẩm sau khi đoạt giải thưởng văn chương sẽ được tái bản. Việc một cuốn sách tái bản không có gì lạ. Thậm chí có những cuốn được tái bản vài lần. Tuy nhiên, không phải cuốn nào cũng được như vậy. Nhưng, hiệu ứng dễ thấy khi một cuốn sách đoạt giải thưởng được tái bản là xuất phát từ nhu cầu đọc - nhu cầu phán xét của độc giả. Họ muốn đọc để xem nó có thực sự xứng đáng với giải thưởng không. Nghĩa là việc đọc ở đây rất có lợi, không bị mất công. Nếu hay thì là sự thưởng thức, nếu ngược lại - dở thì được “biết thêm” tác giả cũng như gu của ban giám khảo. Như vậy chứng tỏ, ở những mức độ khác nhau, việc tái bản sách chứng tỏ độc giả có chú ý đến tác phẩm đoạt giải thưởng.
Chiếm một phần khiêm tốn trong số các tác phẩm văn học đoạt giải thưởng là được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, phim truyền hình. Có thể kể đến các tác phẩm nổi tiếng như: Mùa lá rụng trong vườn đoạt giải thưởng năm 1986 của Hội Nhà văn, cùng với tác phẩm Đám cưới không có giấy giá thúcủa nhà văn Ma Văn Kháng là bộ phim Mùa lá rụng. Cùng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1986 còn có tác phẩm đình đám của Lê Lựu là Thời xa vắng cũng được chuyển thể lên màn ảnh. Năm 1991 được xem là “mùa vàng” của văn học với ba tác phẩm đoạt giải đình đám là Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Trong ba tác phẩm đó thì Bến không chồng được chuyển thể và dàn dựng thành tác phẩm điện ảnh, còn Mảnh đất lắm người nhiều ma được chuyển thể thành phim truyền hình Đất và người. Riêng tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh cũng từng được một số nhà làm phim trong và ngoài nước để mắt tới nhưng sự hợp tác giữa phía làm phim với tác giả chưa tìm được tiếng nói chung. Và cho đến giờ Nỗi buồn chiến tranh chưa được lên hình như kỳ vọng và mong muốn của nhiều độc giả. Hay tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2006, sau đó cũng được chuyển thể thành kịch và phim nhựa.
Việc những tác phẩm văn học đoạt giải thưởng được chuyển thể sang một loại hình nghệ thuật khác không chỉ thêm một lần khẳng định giá trị văn học mà còn có sức lan toả nhanh chóng. Mặc dù điện ảnh đang thiếu những kịch bản có chất lượng và tác phẩm văn học giá trị luôn được coi là một khởi đầu tin cậy nhưng cho đến nay còn quá ít tác phẩm văn học đoạt giải thưởng được chuyển thể. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận phần lớn tác phẩm văn học đoạt giải chưa được chuyển thể sang điện ảnh là kém. Bởi một tác phẩm văn học khi chuyển sang điện ảnh cần có nhiều yếu tố mà những đạo diễn “nhìn thấy được” ở ngay cái gốc văn học. Nhưng rõ ràng số lượng khiêm tốn từ các bộ phim chuyển thể sang điện ảnh đã cho thấy một “mỏ vàng” còn bị chìm sâu mà chưa được khai thác triệt để.
Một hoạt động mang tính chuyên môn hơn cả dành cho tác phẩm văn học sau khi đoạt giải thưởng là các buổi hội thảo, toạ đàm xung quanh cuốn sách. Hội thảo, toạ đàm tác phẩm đoạt giải thưởng luôn là tâm điểm chú ý của dư luận - độc giả và giới chuyên môn. Cuộc đối - đáp trực diện ba bên: giữa người thai nghén, sinh hạ ra tác phẩm, người giữ trọng trách thẩm định thứ hạng tác phẩm với người nhìn ngắm và ngẫm nghĩ tác phẩm là vô cùng cần thiết. Không chỉ tìm ra cái hay, dở mà còn làm thoả mãn những nghi ngờ, tò mò, những chuyện “bên lề” của tác giả liên quan đến cuốn sách được giải. Tiếc thay, công việc mang tính chuyên môn này được thực hiện còn rất ít.
Quảng bá tác phẩm văn học được giải thưởng là việc làm thiết thực. Nhưng lâu nay, công việc này chưa được đầu tư bài bản, thích đáng. Những việc như tái bản, hội thảo, chuyển thể tác phẩm cũng chưa nhiều và chủ yếu ở phạm vi trong nước. Còn vươn xa hơn, để giới thiệu với độc giả nước ngoài thì không những ít mà còn… hiếm!
Cho đến nay, việc dịch chủ yếu là tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Thậm chí nhìn vào các nhà sách lớn, sách dịch còn lấn át, chiếm ưu thế hơn cả sách nội. Còn việc dịch ngược lại, từ tiếng Việt sang ngôn ngữ khác là việc thụ động. Hoặc nếu có chủ động thì chủ yếu dựa vào các mối quan hệ mang tính cá nhân của nhà văn. Chỉ khi nào đối tác nước ngoài; một nhà xuất bản, một tổ chức… tự tìm hiểu thông tin về tác giả, tác phẩm và có nhu cầu dịch sang ngôn ngữ của họ thì họ sẽ liên lạc với tác giả, thoả thuận về tác quyền, nhuận bút. Ở các hội chợ sách quốc tế, một số nhà xuất bản của Việt Nam tham dự, cũng mới chỉ có bản tóm tắt tác phẩm bằng ngôn ngữ nước ngoài như một cách quảng cáo, chứ không có tác phẩm đã được dịch hoàn chỉnh để giới thiệu…
Một số tác phẩm từng đoạt giải thưởng đã được dịch sang tiếng nước ngoài Italia, Pháp có Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường được dịch sang tiếng Pháp, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Tư…
Từ năm 2011, Nhà xuất bản Trẻ đã đứng ra chủ động dịch tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần ra tiếng nước ngoài - tiếng Anh. Được biết, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là một tác phẩm thiếu nhi khá hấp dẫn, được đánh giá cao, từng được giải thưởng trong và ngoài nước. Sau Nguyễn Ngọc Thuần, nằm trong “dự án thử nghiệm” có tác phẩm Oxford thương yêu của Dương Thụy. Cho đến nay, những bước đi tiếp theo của đơn vị này còn khá dè dặt và chậm.
Năm 2012 công ty sách Chibooks cũng khởi xướng dự án xuất khẩu văn chương Việt. Hưởng ứng dự án này đã có nhiều nhà văn đồng ý uỷ quyền cho công ty làm đại diện trong việc thương thảo hợp đồng xuất khẩu văn chương. Đáng chú ý trong đó có nhà văn Hồ Anh Thái. Tuy nhiên, cho đến nay, các tác phẩm được giới thiệu chưa có tác phẩm nào được phía nước ngoài mua và chọn dịch. Còn nhà văn Hồ Anh Thái thì không qua Chibooks, tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế đã được dịch và xuất bản tại Mỹ.
Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, từ ngay sau Đại hội Nhà văn lần thứ 8, Hội đã có ý định thành lập Trung tâm dịch thuật văn học. Nếu trung tâm dịch thuật này ra đời, chắc hẳn nhiều nhà văn hi vọng, đây sẽ là cầu nối quan trọng, tin cậy để giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam thế giới. Đặc biệt với những tác phẩm văn chương từng được giải thưởng. Đó sẽ là một “nguồn” tác phẩm khá dồi dào, ít nhiều đã được lựa chọn. Vậy nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay Trung tâm dịch thuật vẫn chưa được thành lập và đi vào hoạt động chính thức. Một lần nữa, giấc mơ xuất ngoại tác phẩm văn học Việt của các nhà văn trong nước phải chờ đợi, hoặc cứ đi theo lối cũ trên con đường “tiểu ngạch” mà nhiều người đã và đang đi.
Xem ra, văn chương đã không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Tác phẩm dù được vinh danh vòng nguyệt quế thì mọi ngả đường phía sau nó vẫn còn rất hẹp và nhiều gập ghềnh.
Hà Anh
Tin cùng chuyên mục
Nỗi niềm Nhạc sỹ Văn Cao...
17/08/2013
Thơ và câu chuyện về nguyên mẫu
20/07/2013
Đọc Nguyễn Thanh Vân
20/07/2013
Thằng Bờm và phú ông trong ca dao
17/07/2013