Thơ và câu chuyện về nguyên mẫu

Tôi tin rằng với những người viết, kể cả các nhà thơ, nếu thực sự quan tâm đến chuyện bếp núc của nghề nghiệp, chắc thể nào cũng có lúc “lăn tăn” khi chọn cách ứng xử với các nguyên mẫu của đời sống, nguyên mẫu nhân vật hay nguyên mẫu sự việc, hiện tượng.

 

Đây là một câu chuyện khá dài và thú vị trong công việc sáng tác văn học nói chung, mà thú vị nhất là nó mở ra không giới hạn, không có câu trả lời cuối cùng.

Ngay như với văn xuôi, thể loại có tính khách quan và sáng rõ hơn thơ rất nhiều mà câu chuyện này cho đến nay vẫn còn gây tranh luận triền miên, và hình như cuối cùng ai quan niệm như thế nào thì vẫn cứ thế mà viết, để lại phía sau những cuộc tranh luận chẳng đi đến đâu và chẳng để làm gì. Mà cuộc hội thảo viết về đề tài lịch sử gần đây là một ví dụ.
Với việc sáng tác văn xuôi về những nhân vật, sự kiện có thật nhãn tiền trong lịch sử mà những người viết còn có những quan niệm ứng xử khác nhau như nước với lửa…, thì với thơ, một thể loại vốn mang đầy tính chủ quan, luôn giành để diễn đạt thế giới tinh thần của một người là tác giả của nó, thì vấn đề về nguyên mẫu và quan hệ của nó với tác phẩm càng nhiêu khê, đến mức không biết có nên đặt nó ra hay không.
Nhà thơ Anh Ngọc
Tuy nhiên, còn nhớ ngày xưa, một lần bình thơ các cây bút trẻ, nhà thơ Xuân Diệu đã vừa cáu kỉnh vừa khôi hài thốt lên: “Làm thơ sướng thật, muốn nói gì thì nói!” Phê phán như vậy tức là đã có nhu cầu được đặt ra: Ngay trong thơ, cũng có vấn đề của hư cấu với những nguyên tắc của nó – dù nó có thể phóng túng hơn văn xuôi rất, rất nhiều. Đó chính là tỷ lệ hợp lý giữa những cặp đôi như chủ quan và khách quan, thực tế và sáng tạo, thực và hư… trong công việc làm thơ vậy.
Xin được trò chuyện tản mạn đôi điều về vấn đề thuộc loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này từ những suy nghĩ và chiêm nghiệm của chính tôi về câu chuyện “từ nguyên mẫu thực tế đến sáng tác văn học”, mà ở đây khái  niệm “nguyên mẫu” chủ yếu dùng chỉ con người, nhưng đôi lúc có thể hiểu rộng hơn đến những thực tế khách quan nào đó mà người viết muốn phản ánh.
Trước hết, nhân nói đến vấn đề này, xin dẫn ngay kiệt tác về phê bình thơ “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân. Trong tác phẩm này, tôi nhớ ít nhất có hai lần các tác giả đã chạm đến điều mà chúng ta đang bàn.
Ấy là một lần, khi viết về nhà thơ Huy Thông với tác phẩm “Tiếng địch sông Ô”, sau khi ca ngợi “Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai này”, và “hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường, anh hùng ca của Victor Hugo tưởng cũng chỉ thế”, các tác giả liền có ngay một nhận xét rất tinh: “Chỉ tiếc rằng Huy Thông, người anh hùng trong mộng tưởng ấy, lại cũng là một người thiếu niên khao khát yêu đương và rất lễ phép với đàn bà. Có khi vô tình người đã phác họa Hạng Tịch theo hình ảnh của mình. Đã đành Hạng Tịch mê Ngu Cơ, đã đành ái tình không chia kim cổ, nhưng tình yêu của Hạng Tịch hẳn phải thế nào chứ!”. Các tác giả dùng từ “tiếc rằng” dĩ nhiên để tỏ thái độ không tán đồng. Nhưng việc khen chê ở đây có lẽ không đặt ra, vì dù viết về một nhân vật lịch sử có thật thì phải tái hiện đúng hồn vía của nhân vật ấy, nhưng theo tôi, là nhà thơ đích thực, việc dấu mình hoàn toàn là không thể và cũng không cần, nên nhận xét trên đây muốn hiểu thế nào cũng được.
Trong một lần khác, khi nhắc đến cái thế giới thơ phi thực, chỉ có trong trí tưởng tượng của Chế Lan Viên, các tác giả viết: “Hẳn có người sẽ nghĩ: Thơ muốn hay chứ muốn lạ thì khó gì, cứ nói trái sự thực là được. Sự thực người ta ngủ trong nhà thì cứ việc nói người ta ngủ trong sao”. Và đây là cái lý để hai ông bênh vực cho tác giả của “Điêu tàn”: “Đừng tưởng! Văn học cổ kim không từng có hai Bồ Tùng Linh (tác giả của “Liêu Trai chí dị”- A.N.). Nói láo đành dễ, nhưng cái khó là nói láo mà vẫn không biết mình nói láo; cái khó là có thể tin lời mình nói. Mà Chế Lan Viên tin lời mình ghê lắm”. Như vậy là với hai nhận xét có vẻ như trái ngược nhau về hai trường hợp ứng xử với sự thật khách quan của hai nhà thơ, ta thấy Hoài Thanh và Hoài Chân đã đề cập đến cái mâu thuẫn thống nhất của những cặp đôi phạm trù đối lập nhau mà ta đã nói tới ở trên kia, trong công việc sáng tạo của nhà thơ và có thể cả nhà văn nói chung.
Tôi tin rằng với những người viết, kể cả các nhà thơ, nếu thực sự quan  tâm đến chuyện bếp núc của nghề nghiệp, chắc thể nào cũng có lúc “lăn tăn” khi chọn cách ứng xử với các nguyên mẫu của đời sống, nguyên mẫu nhân vật hay nguyên mẫu sự việc, hiện tượng. Và đây là một vài ví dụ đã xẩy đến với chính người viết những dòng này:
Trong các tuyển tập thơ của mình, tôi thường chia chúng thành ba phần, với ba nội hàm mà ta thường gọi là: Thơ chung – thơ riêng – thơ tình. Và tôi nghiệm ra ở cả ba phần ấy, phần nào cũng có những bài, những đoạn, những ý kết hợp giữa thực tế khách quan với cách nhìn, cách nghĩ và cách cảm của chủ quan. Trong phần thơ chung, thường gọi là thơ “công dân”, tôi luôn có ý thức nhào nặn những chất liệu trong đời riêng của mình để hóa thân vào các “nhân vật trữ tình” có tính phổ quát. Chẳng hạn, trong bài “Chuyện một con đường mòn”, để diễn đạt cái ý con đường lớn của cách mạng, của kháng chiến là khởi đầu và góp lại từ những con đường nhỏ của mỗi chúng ta từ thuở mới tập đi, tôi viết:
Khi tôi sinh ra con đường đã có rồi
Trôi lặng lẽ như một dòng nước mát
Chỗ bờ tre ông tôi ngồi chẻ lạt
Dáng lưng còng tạc xuống tháng năm…
Đấy hoàn toàn là chuyện bịa. Ông tôi hoạt động trong phong trào Phan Bội Châu và bị thực dân Pháp bắt xử bắn từ trước khi tôi sinh ra 27 năm! Cũng chẳng biết trước khi xuất dương đi chống Pháp, một nhà nho như cụ có biết chẻ lạt hay không nữa! Và tôi còn dám cả gan hình dung ra cái cảnh đám cưới của… bố tôi và mẹ tôi:
Có một bận chim hót vang cành bưởi
Đường đón mẹ bước vào sau lễ cưới
Người đến đây và ở lại nơi này
Trăng thôn Đoài theo mẹ cũng về đây
Soi lãng mạn những đêm vàng cổ tích
Con đường mòn như đường ngôi rẽ lệch
Hương sả thơm lừng tóc rối dưới bàn tay…
(Hì hì…, xin bố mẹ tha lỗi cho thằng con thi sĩ với trí tưởng tượng nhắng nhít của nó!)
Hoặc nữa, trong một đoạn của trường ca “Điệp khúc vô danh”, tôi viết về nạn đói 1945 và đứa bé hai tuổi là tôi:
Những đường thôn không ngớt bóng ăn mày
Tiếng chó sủa, tiếng người rên rỉ
Tôi run rẩy nấp vào lòng mẹ
Ngước nhìn lên tóc trắng rợp trời xanh…
Thực ra, năm ấy mẹ tôi mới ngoài 40 tuổi. Tuổi ấy tóc chưa thể bạc trắng như thế được. Nhưng vào cái thời khắc khủng khiếp ấy, có nói tất cả người Việt Nam ta đầu đều bạc trắng (thậm chí cả mặt, cả mắt cũng bạc luôn) thì cũng không có gì là quá.
Như vậy là dưới bút danh của tôi, trong bài viết lại xưng “tôi”, nhưng bài thơ vẫn cứ có quyền mang những chi tiết không có thật trong thực tế. Mà tôi cũng chỉ kể ra đây một vài ví dụ thế thôi, chứ trong thơ tôi, những chi tiết hư cấu như thế không kể hết. Điều thú vị là chính tôi không “lăn tăn” gì về những chuyện thật và giả, thực và hư trong thơ trữ tình đã đành, mà khi đọc hoặc nghe tôi đọc những bài thơ này, cũng không thấy ai nghi ngờ lòng thành thực của tác giả, kể cả những người thân của tôi.
Ấy thế mà, cũng đã hơn một lần tôi bị phiền hà về cách quan niệm đưa chi tiết thực vào thơ theo kiểu trên đây.
Lần thứ nhất là vào năm 1967.
Lần ấy nguyên mẫu không phải là một nhân vật, mà là một cảnh trí. Số là, vào khoảng tháng Bảy, năm 1967, sau một thời gian lên sống với các chiến sĩ cao xạ pháo trên Cao điểm 54, còn gọi là mỏm đồi “Ba cây thông”,  ở bờ Nam cầu Hàm Rồng, tôi rất xúc động và làm bài thơ “Cao điểm” để tặng các chiến sĩ phòng không anh hùng C4 (đơn vị của các nhà văn tương lai Từ Nguyên Tĩnh và Lê Xuân Giang). Trong đoạn kết của bài thơ, tôi tận dụng hình ảnh cái mỏm đồi lỗ chỗ hố bom, ngổn ngang đất đá, với những nòng pháo luôn ghếch nghiêng lên trời bất động, trông xa giống hệt như những cái cán cuốc trên mảnh đất ai đang cuốc xới dở dang, và tôi viết:
Vậy mà sau những giờ chiến đấu
Trận địa xa nhìn như bãi đất vỡ hoang
Những nòng pháo ghếch nghiêng như cán cuốc
Đang dở buổi gieo trồng trên cao điểm của thời gian.
Các bạn thấy ngay là từ cái nguyên mẫu hình ảnh mỏm đồi bị đạn bom cày xới và những nòng pháo ghếch nghiêng mà ai nhìn chắc cũng thấy ví von như trên là rất chính xác, nhưng tôi đã ý thức được ngay phải biến cái   ví von dù chính xác nhưng còn thô sơ và tầm thường ấy thành một cái liên tưởng cao cả hơn rất nhiều, cái liên tưởng gói gọn trong năm chữ cuối cùng: cao điểm của thời gian. Đến bây giờ thì tôi tin là chẳng cần bình bán gì nhiều, các bạn cũng sẽ thấy tôi đã gửi vào trong liên tưởng trên đây tất cả niềm kính trọng, thậm chí ngưỡng mộ của mình với cuộc chiến đấu anh hùng của các chiến sĩ ta trên mảnh đất Hàm Rồng ngày ấy. Ấy thế mà, khi các anh ở Ty Văn Hóa Thanh Hóa cho in bài thơ này vào cuốn Tạp chí văn nghệ của tỉnh và vào một tập thơ về Hàm Rồng lấy nhan đề cũng bằng tên của bài thơ này, thì nhận được chỉ thị rằng bài thơ này có vấn đề, số Tạp chí có in bài thơ này không được phát hành, còn tập thơ “Cao điểm” thì phải bỏ bài thơ này đi thì mới được phát hành! Mà lý do thì không có gì khác là vì cách ví von trên đây mà các vị có thẩm quyền cho là đã hạ thấp, thậm chí bôi nhọ hình ảnh oai phong của Hàm Rồng (!). May mắn cho tôi là trước đó tôi cũng đã gửi bản thảo bài thơ cho Tạp chí Văn nghệ quân đội, và tờ Tạp chí văn nghệ uy tín hàng đầu ngày ấy, cơ quan của Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam đã in ngay bài thơ này và không sửa một chữ! (Cho đến nay tôi vẫn giữ cái thư của nhà thơ Xuân Sách thông báo việc in bài thơ này). Thế là thoát - cả cho tôi và các bạn đồng nghiệp ở Thanh Hóa. Rõ ràng ở đây có hai cách nhìn khác nhau liên quan tới điều chúng ta đang đề cập đến: Từ nguyên mẫu của đời sống đến hình tượng nghệ thuật. Tất cả đã sáng rõ hoàn toàn, chẳng cần phải “thanh minh, thanh nga” làm gì nữa. Nhưng cũng rõ ràng không kém là công việc viết lách nhiều lúc cũng phải chịu những hàm oan, thậm chí nguy hiểm, có thể không bằng loại “án văn tự” thời nhà Thanh, nhưng cũng làm cho nhiều cây bút thân bại danh liệt.
Nghĩ về những điều này cũng mệt mỏi và chẳng có ích gì cho ai. Nên chỉ xin kể thêm một trường hợp rắc rối nữa thôi liên quan đến tôi, lần này thì đúng là về một nguyên mẫu nhân vật.
Đó là về bài thơ “Vị tướng già” tôi viết năm 1994.
Trước hết, phải nói ngay rằng, tôi luôn đặt bài thơ này trong phần “thơ riêng” như đã nói ở trên, thậm chí dùng chính nhan đề của nó để làm tiêu đề chung cho cả phần này (phần “thơ chung” tôi thường lấy tiêu đề bằng tên của bài “Cây xấu hổ”). Tôi quan niệm “thơ riêng” là loại thơ có thể viết về bất cứ đề tài lớn, bé, riêng, chung nào, nhưng chủ yếu cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm, cách nói trong đó phải là cảm quan riêng, độc lập của tác giả, phản ánh thế giới tinh thần của một “con người này” là người viết ra nó mà thôi. Như thế, so với “thơ chung”, rõ ràng “thơ riêng” giàu tính…riêng tư hơn, in đậm dấu ấn chủ quan của tác giả hơn.
Nói thế để thấy ngay rằng bài thơ “Vị tướng già” được tôi viết từ một góc nhìn riêng và người đọc tinh ý sẽ nhận ra cùng lúc chân dung của nhân vật “vị tướng” và cả chân dung tinh thần của người sáng tạo ra nhân vật ấy. Ít ra là 50 – 50. Nhưng theo tôi, vế thứ hai phải quá bán mới đúng.
Phải thú thật, với tôi, bài thơ này có một “số phận” (dùng chữ cho oai) khá thú vị, nghĩa là có cả ngọt, bùi, chua, cay, mặn, chát… , tóm lại là rất có…vấn đề. Câu chuyện này nếu kể theo kiểu “con tằm nó nhả ra tơ…”, thì có thể viết được một bài báo rất dài, nhưng sợ mất thì giờ của các bạn, nên xin khất một dịp khác.
Chỉ biết rằng, sau khi bài thơ in ra (1994), có một số bạn bè, phần lớn là đồng nghiệp, tỏ ý thích bài thơ (đã có một số bài bình bài thơ này, bài gần nhất là của nhà thơ Phạm Khải, in trên báo Văn Nghệ Công An, số ra ngày 18-4-2011, một bài phân tích rất có sức thuyết phục). Nhà thơ Vương Trọng có lần bảo đó là bài thơ hay nhất của tôi, anh Trọng bảo nó “thể hiện đẳng cấp” (chẳng hiểu là đẳng cấp gì, hì hì …). Nhà thơ Nguyễn Trung Thu, bạn tôi (tác gải bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, nay đã mất), ngày ấy làm chức gì… kha khá ở Ban tư tưởng và văn hóa trung ương, nghe tôi đọc bài thơ xong có vẻ gật gù. Một hôm anh Thu nói với tôi là sắp có việc lên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hỏi tôi có đồng ý để anh đọc bài thơ cho Đại tướng nghe không. Anh bảo anh…nói thật, không phải dọa… (lại phải cười hì hì… một cái đã). Tôi đã định nói “OK”, nhưng lại kịp cười xòa và gạt đi, vì… (đàng sau dấu ba chấm này tiềm ẩn cả một cuộc tranh luận có thể không có hồi kết). Tôi đã linh cảm đúng. Bài thơ bị khá nhiều người phê phán. Nhiều bạn tôi làm ở các báo và thậm chí cả nhà xuất bản nhận được những bức thư phê phán, thậm chí… mạt sát, chế diễu tác giả. Còn lý do thì vì - nếu đúng như vậy thì tôi làm sao nuốt trôi được tội của mình - các vị ấy đều cho rằng bài thơ của tôi đích thị viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đã can tội tầm thường hóa, thậm chí hạ thấp hình ảnh của vị Đại tướng mà tất cả chúng ta đều hết mực yêu quý và kính trọng! Ôi, giá như bây giờ có thể đăng bài thơ này lên để mời mọi người viết bài bình luận, phân tích đúng sai, hay dở thì thú vị biết mấy. Tôi sẽ sẵn sàng và vui vẻ lắng nghe tất cả với nụ cười thân thiện và tôn trọng. Nếu có trang web hay blog riêng thì chắc tôi đã làm ngay việc ấy. Chẳng hạn như với hai câu kết của bài thơ, tôi viết về “vị tướng của tôi, vị tướng của nghệ thuật” như sau:
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.
Nhà báo Mạnh Hùng ở Báo Quân Đội Nhân Dân đã có lần cho tôi xem một bức thư của một vị (chắc là cựu chiến binh) viết dài mấy trang giấy lên án bài thơ kịch liệt, với giọng mạt sát và chế diễu không thương xót tác giả. Ông ấy còn làm cả một bài thơ dài để bắt bẻ và diễu cợt tôi từng câu từng chữ, chẳng hạn về hai câu kết trên đây, ông đập lại là:
Không, ta đã đặt cả hai chân vào lịch sử…
(Lại phải cười hì hì … một cái nữa)
Hì hì … , quý đồng đội mà tôi chưa quen ơi, chẳng cần tra từ điển thì ta cũng hiểu “lịch sử” là những gì đã lùi vào và tồn tại trong quá khứ, kể cả quá khứ mới tinh (trong tiếng Anh có thể dùng dưới dạng động từ thì quá khứ  hay hiện tại hoàn thành). Với một người dù đã có một phần lớn cuộc đời oai hùng, góp phần làm nên lịch sử, nhưng nay vẫn còn sống, vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình trên cõi thế của mình, thì phân công cho hai chân ông ấy làm hai nhiệm vụ như thế là đúng rồi – nào có ai mất đi tý công trạng hay vinh quang nào đâu. Cha ông xưa đã dạy: Để bình luận (khen và chê…) một con người cho toàn vẹn và chính xác thì phải đợi đến lúc đóng nắp quan tài (“cái quan định luận”) là với ý như thế. Bảo một người đang sống đã đặt cả hai chân vào lịch sử, khéo không lại “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” đấy. (Xin hỏi nhỏ câu này: Thế cái chân ông ấy đang chậm rãi bước đi trong vườn là chân nào vậy? Chẳng lẽ ông ấy siêu nhân đến nỗi có ba chân? – Đùa cho vui một tý, xin quý đồng đội đừng giận).
Thôi, không sa đà nữa, khéo không lại can tội “đùa chẳng ra đùa, nửa nạc nửa mỡ” như Tú Mỡ nói ngày xưa. Xin kể một chi tiết nữa thôi. Có lần một vị ở một khu tập thể quân đội gọi điện bảo tôi là Câu lạc bộ thơ hưu trí của các vị ở đấy có nhiều ý kiến khác nhau về bài thơ, nhưng tất cả đều có một câu hỏi chung muốn trực tiếp hỏi tôi là: Có phải bài thơ này tôi viết về Cụ Giáp không? (nguyên văn ông ấy còn trấn an tôi “anh cứ nói thật đi, đừng ngại”). Vâng, bác đã hỏi thẳng thì tôi cũng xin “nói nhanh cho nó vuông”: “Bác có nhớ trong bài thơ có câu:
Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Không biết bác thế nào chứ tôi chưa từng thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp chống gậy bao giờ, kể cả ở ngoài đời cũng như trên ti vi”.
Bác ấy công nhận: “Đúng”.
Thế đấy. Nên theo tôi, ngẫm cho cùng: Với thơ trữ tình, nguyên mẫu xuyên suốt của thơ chính là nhà thơ vậy.
Để chấm dứt bài viết về chủ đề “từ nguyên mẫu đến tác phẩm văn học”, một chủ đề rất lý thú, tôi chỉ muốn nói một điều: Sau tất cả mọi chiêm nghiệm, tôi vẫn thấy nghề viết văn, làm thơ là một nghề vô cùng thú vị, kể cả khi không may gặp phải những tai nạn nghề nghiệp, và tôi muốn được cám ơn tất cả những ai đã đọc những gì tôi viết ra, dù chỉ một lần, dù các bạn khen hay chê, thậm chí lên án tôi đi nữa…
Vâng, xin cám ơn và xin cám ơn!
22-9-2012
A.N.
Vị tướng già
Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình.
Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù.
Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây.
Ông ra đi
Và...
Ông đã về đây
Đời là cuộc hành trình khép kín
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
Là một trời nhớ nhớ với quên quên.
Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa.
Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.
22-9-1994
Minh họa của họa sĩ NGUYỄN ĐĂNG PHÚ
Cao điểm
(Tặng đồng đội tôi trên các cao điểm Hàm Rồng)
Trên hoang sơ nắm đất đỏ lòm
Trên điêu tàn lở loét hố bom
Trên cháy xém cỏ gà nắng liếm
Ta xây cao điểm
Đồng đội cùng ta lên cao
Tám hướng mây bay phấp phới chào
Ta như mũi thép đầu lưỡi mác
Mưa gió từng phen mài nhọn hoắt
Ngày nơi đây chừng cũng dài hơn
Hoàng hôn muộn mà bình minh sớm thức
Đời trên cao chẳng biết có thời gian
Lịch chiến đấu không có ngày chủ nhật
Những con gió qua đây thường thì thầm mách hướng kẻ thù
Một hòn sỏi cũng nghiêm trang xếp thành chiến lũy
Thương anh nuôi nát gót còng lưng
Một nắm cơm lên mười bận nghỉ
Thường những khi đêm về trên cao điểm
Cả đất trời thức quanh đài trực chiến
Pháo thủ ngồi lẫn với trăng sao
Lòng mênh mông theo đuổi những con tàu
Đến những thôn xóm yên lành
Đến những phố phường đổ nát
Cao điểm ta xây trên tình yêu Tổ Quốc
Trên mối thù giặc Mỹ ngút trong tim
Cho dẫu nơi đây sắt thép lại trườn lên sỏi đá
Hoa chuối hoang ken với xương rồng
Cao điểm vẫn cao trên vần thơ điệu hát
Giọng “sắp qua cầu”, điệu “lý sang sông”
Giờ chiến đấu là giờ đẹp nhất
Đạn vạch đường bay như vạn ánh cầu vồng
Hai ngàn thước vuông trên đỉnh núi
Mỗi thước vuông nâng dậy một anh hùng
Vậy mà sau những giờ chiến đấu
Trận địa xa nhìn như bãi đất vỡ hoang
Những nòng pháo ghếch nghiêng như cán cuốc
Đang dở buổi gieo trồng trên cao điểm của thời gian.
Hàm Rồng, 7-1967