Chương 10. NHÀ THƠ VĂN CHÈO – tiếp SẬP HẦM

Đêm. Nhà văn hóa Công ty Thành Đạt rực rỡ ánh đèn màu. Trước cổng, căng tấm băng rôn: “Nhiệt liệt chào mừng các văn nghệ sỹ về dự sinh hoạt CLB văn hóa Công ty”. Trên sân khấu hội trường căng phông có dòng tít lớn: Câu lạc bộ văn hóa, dưới đó là dòng tít nhỏ hơn: Chương trình bình thơ; phía trái các hàng tít là tên và logo Công ty Thành Đạt. Đại biểu tham dự ngồi hàng ghế đầu; công nhân Công ty ngồi kín các dãy ghế sau.

Chương 10. NHÀ THƠ VĂN CHÈO – tiếp SẬP HẦM

Đêm. Nhà văn hóa Công ty Thành Đạt rực rỡ ánh đèn màu. Trước cổng, căng tấm băng rôn: “Nhiệt liệt chào mừng các văn nghệ sỹ về dự sinh hoạt CLB văn hóa Công ty”. Trên sân khấu hội trường căng phông có dòng tít lớn: Câu lạc bộ văn hóa, dưới đó là dòng tít nhỏ hơn: Chương trình bình thơ; phía trái các hàng tít là tên và logo Công ty Thành Đạt. Đại biểu tham dự ngồi hàng ghế đầu; công nhân Công ty ngồi kín các dãy ghế sau.

Ông Tạch Già từ trong cánh gà bước ra sân khấu, cúi chào khán giả rất điệu đà như hôm ông làm MC Lễ mừng công tấn than thứ bốn vạn, rồi ông cầm micro, nói vo:

- Thưa các quý vị đại biểu. Thưa anh chị em công nhân. Phương châm của Công ty Thành Đạt là phát triển kinh tế luôn đi đôi với xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Từ phương châm đó, những năm qua, bên cạnh mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, chế biến nông sản, khai thác than vân vân, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đời sống vật chất của công nhân ngày càng được cải thiện, Công ty Thành Đạt còn đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng của sự phát triển bền vững; là chìa khóa của Công ty trong tiến trình hội nhập...Có phải không quý vị? Có phải vậy không anh Nhật?

Nhật Điếc ngồi ở góc hội trường, buông một câu cộc lốc: “Nhất – trí”! 
Ông Tạch Già phì cười, gỡ cặp kích lau vào áo, rồi tiếp: 
- Với ý nghĩa đó, hôm nay, Công ty Thành Đạt đạt tổ chức cuộc bình thơ nhằm khơi dậy tình yêu trong công nhân với thi ca; khơi dậy niềm tự hào về Công ty. Tới dự buổi sinh hoạt hôm nay, tôi xin giới thiệu, Nhà thơ Trần ...Khoái (Trần Khoái đứng lên cúi chào. Mọi người vỗ tay); Nhà văn Hoàng... Anh (Hoàng Anh đứng lên cúi chào-vỗ tay); Nhà phê bình văn học Hồng ...Vân (nữ- cúi chào-vỗ tay); Nhạc sỹ Kiều ...Sinh (chào-vỗ tay).

Mở đầu chương trình, tôi trân trọng giới thiệu nghệ sỹ Thanh Nhàn  lên trình bày bài thơ "Đất nở hoa" của Tiến sỹ Văn Chèo, Tổng giám đốc Công ty…

Nghe giọng nói và cử chỉ của ông Tạch Già, người tinh ý sẽ thấy sự cợt nhả, trào lộng. Không hiểu đám cử tọa có nhận biết điều đó không mà vỗ tay rầm rầm. Thanh Nhàn từ chối nhưng Chèo nghiêm mặt như ra lệnh; khán giả thì cổ vũ nên Nhàn buộc phải lên sân khấu cúi chào mọi người, cầm micro. Nhàn cho rằng đám công nhân  ầm ĩ vỗ tay tán thưởng là sự phản động. Nhưng lúc này, thái độ và giọng ngâm của chị cũng tỏ ra diễu cợt:


"Đất nở hoa


Thành Đạt công ty chúng ta
Khe Mua, Bến Mắm thắm hoa sắc màu
Em ơi, mới đó ngày nào
Khe Mua lau lách núi cao đường lầy
Bao chàng trai trẻ về đây
San đồi bạt núi dựng xây cơ đồ
Em nghe chăng dưới hầm lò
Vỉa than đen thấm giọt mồ hôi rơi
Hòn than từ chính nơi đây
Mang sức nóng tới những nơi xa gần

Bạn ơi xin hãy dừng chân
Thăm khu Bến Mắm rất gần đây thôi
Nơi đây trước là lò vôi
Bạt ngàn sú vẹt là nơi hẹn hò
Của bọn con nghiện con phò
Nay thành nhà máy- cơ đồ của ta

Em ơi, Thành Đạt đã nở hoa".


Thanh Nhàn ngâm thơ xong, đám cử tọa lại vỗ tay rầm rầm. Bây giờ thì đã rõ. Những tràng vỗ tay tán thưởng, những lời yêu cầu Thanh Nhàn ngâm thơ lại của khán giả là sự bỡn cợt.
Trong lúc nghe Thanh Nhàn ngâm thơ, Nhà thơ Trần Khoái gật gù, vỗ đùi:
- Hay! Trí tuệ. Hiện đại và truyền thống!
Nhật Điếc:
- Nhất...t...r...í!
Nhà phê bình Hồng Vân cầm mico, nói:
- Thưa Tiến sỹ Văn Chèo, thưa các bạn.Tôi vô cùng bất ngờ về bài thơ của Tổng giám đốc Văn Chèo. Quả thật, như Nhà thơ Trần Khoái vừa nói, rất trí tuệ, rất hiện đại và rất truyền thống. Trí tuệ ở chỗ, chỉ có mười bảy câu thơ mà tác giả đã khái quát được quá trình hình thành, phát triển của Công ty Thành Đạt; từ Khe Mua lau lách, đường lầy, nay đã thành công trường khai thác than. Theo số liệu của Nhà báo Sơn Thủy đã đăng trên tờ báo Đảng bộ tỉnh thì công trường này cho sản lượng mỗi năm trên bốn vạn tấn than; thu hút trên ba trăm lao động, với mức trhu nhập bình quân năm triệu đồng trên tháng (5 triệu đồng/tháng), nộp ngân sách nhà nước mỗi năm hơn một tỷ đồng. Còn Bến Mắm, xưa kia bạt ngàn sú vẹt và những lò vôi của tư nhân mọc lên, môi trường bị ô nhiễm nặng nề; là tụ điểm cho nạn đĩ điếm, tiêm chích ma túy, thì giờ đây, là nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu, thu hút gần hai trăm lao động, mang về nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho địa phương. Đó chính là hoa của đất. Một hình tượng văn học sống động. Trí tuệ là ở chỗ đó! 
- N..h..ất – trí…
Sau lời tán thưởng “Nhất trí” của Nhật Điếc, đám cử tọa vỗ tay. Nhà phê bình Hồng Vân cao hứng, tiếp:
- Thưa các bạn. Vấn đề nữa mà chúng tôi muốn đề cập tới, đó là tính hiện đại và truyền thống của bài thơ. Như trên đã nói, tính hiện đại thể hiện ở chỗ, khả năng khái quát của tác giả Văn Chèo rất cao, nhưng lại rất cụ thể, rất chi tiết... 
Nhà phê bình Hồng Vân tợm ngụm nước rồi rên lên: “Em nghe chăng dưới hầm lò/ Hòn than đen thấm giọt mồ hôi rơi /Hòn than từ chính nơi đây/ Mang sức nóng đến những nơi xa gần”. 
Chợt, Nhà phê bình Hồng Vân cao giọng:
- Từ những giọt mồ hôi ấy, hòn than không phải là vật vô tri vô giác nữa mà là sức lan tỏa của tình cảm, của tâm hồn người thợ Công ty Thành Đạt tới muôn phương. Thật hiện đại quá và nhân văn quá! Ở đây, tác giả đã khéo léo kết hợp thể thơ lục bát truyền thống với tư duy hiện đại, bằng những vần thơ rất nhuyễn…
Nhà thơ Hoàng Anh từ nãy đến giờ mặt lạnh lùng khinh khỉnh. Ông cướp diễn đàn:
- Tôi thấy mấy câu này chưa ổn, nếu không muốn nói đó là sự tự nhiên chủ nghĩa; sự thô tục hóa đời sống. Này đây: “Nơi đây trước là lò vôi/ Bạt ngàn sú vẹt là nơi hẹn hò/ Của bọn con nghiện con phò…”.Thô lậu quá! Tự nhiên chủ nghĩa quá!
Nhà thơ Trần Khoái điềm đạm:
- Quả thật, như nhà thơ Hoàng Anh nhận xét, trong bài thơ, có những câu hơi tự nhiên chủ nghĩa. Nhưng nếu xét về xu hướng đổi mới hình thức của thi ca hiện đại, thì hiện nay, rất nhiều nhà thơ có những cách biểu đạt bạo liệt hơn nhiều, nếu không muốn nói đó là sự dung tục. Ở đây, khi đề cập đến các tệ nạn xã hội như đĩ điếm, nghiện hút, chắc hẳn tác giả Văn Chèo không thiếu gì cách biểu đạt mềm mại, văn hoa hơn. Nhưng không! Tác giả Văn Chèo đã chọn cách thể hiện tư tưởng của mình trực diện, thẳng thắn, không khoan nhượng cái xấu. Tôi thiển nghĩ, tác giả Văn Chèo đã dùng những câu thơ trên làm vũ khí sắc bén đấu tranh với các tệ nạn xã hội!
Đám cử tọa lại vỗ tay rầm rầm.
Nhạc sỹ Kiều Sinh từ khi nghe xong bài thơ, ông cắm cúi viết, dường như không theo dõi cuộc tranh luận về học thuật của các nhà thơ. Giờ đây, ông ngẩng lên, trán đẫm mồ hôi. Ông cầm cây đàn ghi - ta, xin phép lên sân khấu. Giọng ông Tạch Già nồng nhiệt:
- Trân trọng giới thiệu với quý vị: Nhạc - sĩ, ca -sĩ Kiều… Sinh! ...
Kiều Sinh lên sân khấu, tóc rũ xuống trán, mặt ủ dột. Ông chỉnh mico rồi vừa đàn vừa hát:
Thành Đạt chúng ta là công ty/
Khe Mua lau lách ta sá gì/
Ta về đây!
Ta đã về đây!
Đào hầm mở vỉa dựng xây cơ đồ/
Hò dô, ới hò dô!
Ta yêu sao, ối hò dô!
Khe Mua của ta/ Ới hò dô!
Tấn than ra, tấn than ra!
Là những đóa hoa sáng ngời
Hò dô, ới hò dô!!

Đám cử tọa cười rú, lại vỗ tay rầm rầm.Tóc Kiều Sinh xù ra, kính tụt xuống chóp mũi. Ông ngừng đàn, lau mồ hôi, nói: 
-Đấy là lời một, nói về sự phát triển trong lĩnh vực khai thác than của Công ty. Lời hai, tôi vẫn trung thành với cấu tứ của tác giả Văn Chèo, nói về sự phát triển của Công ty trong lĩnh vực chế biến hải sản xuất khẩu. Nó là thế này…
Nhạc sỹ đàn hát tiếp: 
Thành Đạt chúng ta là công ty/
Hoang sơ Bến Mắm ta sá gì/
Ta về đây!
Ta đã về đây! 
San đồi lấn biển dựng xây cơ đồ 
Hò dô, ới hò dô!
Ta yêu sao, ới hò dô!
Nhà máy của ta/
Biến cá tôm/
Thành hoa sáng ngời
Hò dô,ới hò dô!

Kiều Sinh hát xong, đám cử tọa lại vỗ tay. Nhà thơ Trần Khoái vỗ vai Văn Chèo:
- Này, tôi cho rằng nếu tập hợp những bài thơ, bài hát và những bài báo viết về Công ty có thể xuất bản thành tập sách dày dặn, anh ạ. Theo tôi, anh nên cho xuất bản để làm tài liệu giáo dục truyền thống cho công nhân thế hệ sau và làm quà biếu cho khách, vừa là dịp để giới thiệu thương hiệu của Công ty với các đối tác, bạn hàng... 
Chèo vỗ đùi:
- Ý kiến rất hay!
Trần Soái:
- Nhưng theo tôi, đã làm phải làm thật đẹp; in trên giấy tốt.
Chèo gãi gãi vào tổ đỉa, ngửa mặt cười phớ lớ :
- OK. Đã in, phải in trên giấy tốt. Loại giấy ngoại, cho sang trọng, ông ạ.
Nhà phê bình Hồng Vân góp lời:
- Đúng quá. Anh có thể thuê nhà một nhà thơ lớn viết lời giới thiệu cho đúng tầm vóc, anh ạ.
Chèo tặc lưỡi:
- Các bạn cứ giúp mình, thuê hẳn nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận viết lời giới thiệu đều được. Tốn kém Công ty lo. 
Trần Khoái lưỡng lự:
- Dạ, thưa…Có thể anh Chèo nhiều việc nên quên. Thưa anh Chèo, các nhà thơ ấy mất rồi anh ạ.
Chèo ngây mặt, vỗ vỗ lên đầu mình, rồi rằng:
- À, quên. Mình nhiều việc quá, không nhớ. Vậy các bạn cứ tìm cho mình một người, kể cả thuê nhà thơ nước ngoài cũng được. Những anh có tên tuổi bên Tàu như Lỗ  Tấn, Gia Cát Lượng đều được. Vướng mắc gì về đường ngoại giao, mình lo. 
…Chương trình bình thơ kết thúc, Đang gặp Nhàn, nói:
- Bà có giọng ngâm thơ tuyệt quá.

- Bôi bác nhau đấy à?

-Được nhiều người khen, còn gì.
Nhàn:

- Nhiều nhà thơ, nhà phê bình văn học còn khen thơ Văn Chèo hay, rồi phổ nhạc đấy thôi.

Đang chợt buồn:

-Làm sao anh Chèo không đủ sáng suốt để hiểu rằng, cái sự tung hô ầm ĩ ấy chính là sự bỡn cợt nhạo báng sự lố bịch của anh ấy? 
Nhàn thở dài:

- Anh Chèo đã là gì. Khối tay là thứ, bộ trưởng; là bí thư tỉnh ủy, làm thơ như vè vẫn cho in trang trọng trên báo để thiên hạ người ta phỉ nhổ, mà vẫn tưởng mình tài. Thói hư danh bệnh hoạn làm con người ta mù lòa, không còn biết mình là ai nữa. Tôi còn lạ!.

- Tôi cũng nghĩ thế. Có lúc, tôi định nói với anh Chèo đừng làm thơ, đừng sáng tác bài hát nữa. Người ta cười cho.

Nhàn chợt đanh giọng:

-Ai cười? Bọn tung hô ông Chèo thì hơn gì ông Chèo mà đòi cười! Ông Chèo chỉ cần phong bì cho họ là họ khúm núm tụng ca tâng bốc. Thậm chí, có kẻ không được đồng nào vẫn vỗ tay vì sự khiếp đảm trước người có quyền, có tiền. Lạ thế. Trước thần quyền, nhiều người chẳng được lợi lộc gì, thậm chí khinh ghét nó nhưng vẫn khiếp đảm, tự nguyện hầu hạ nó, tụng ca nó. Một ông cán bộ to, nói mấy câu ngớ ngẩn, nhăng cuội cũng có thể trở thành ý kiến chỉ đạo, thậm chí trở thành triết lí. Sức mạnh của thần quyền thật ghê gớm! Thứ gì của sếp cũng được mọi người coi là hay, là đẹp và sếp cũng tưởng thế. Tệ sùng bái cá nhân làm cho con người trở nên mù lòa; đã giết chết phản biện xã hội. Anh Chèo sướng thế sao ngăn cản anh ấy?