Xin chữ đầu năm

“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bầy mực tầu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. (Trích Bài thơ “Ông Đồ” của tác giả Vũ Đình Liên). Những câu thơ ấy của Nhà thơ Vũ Đình Liên, mỗi lần đọc lại nhắc cho ta nhớ tới một nét đẹp truyền thống của ông cha-tục xin chữ đầu năm

Việc mang ý nghĩa này có ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn… ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ trước người cho chữ. Ngày xưa là chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Ta nữa.

 

Việc xin chữ đầu năm lâu nay đã có và ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến. Xin chữ là một nét đẹp văn hóa cần phát huy.

Xin chữ đầu năm mang ý nghĩa tốt đẹp là người dùng chữ biết quý giá trị của chữ, cũng là ước vọng xin cái may mắn, cái phúc đức mang về nhà mong cả năm đó may mắn, tốt lành. Đôi khi xin chữ cho con trẻ cũng mang ý nghĩa dạy bảo, răn đe con cháu trong nhà sống đúng như ý nghĩa của mỗi con chữ xin về. Thông thường người ta thiếu cái gì thì xin chữ đó.

Người đến xin chữ với đầy đủ mọi tầng lớp, địa vị trong xã hội cho nên cũng có những chữ phù hợp với từng người. Nếu xét ở mục đích xin chữ là cho mình, tặng người khác thì tùy từng đối tượng mà xin chữ thích hợp. Ngoài những chữ thư pháp chung họ đều muốn đạt được là phúc, lộc, khang, ninh, bình, an... thì các tầng lớp đối tượng đều xin chữ phù hợp với nguyện vọng cụ thể cho mình.

Tùy vào cá tính, nghề nghiệp, lứa tuổi mà người ta thường xin những chữ khác nhau. Người nông dân thì nên xin chữ Cát tường, Tài lộc. Quan chức thường xin chữ Lộc, chữ Tiến. Doanh nhân, thương gia thường xin chữ Thuận, chữ Lợi. Con cháu muốn kính tặng ông bà bố mẹ đã cao niên thường xin chữ Thọ, Khang.Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Đăng khoa... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, Tín, Phát... Người cầu thành công xin chữ Thành, Đạt. Xin chữ tặng gia đình, người ta xin chữ Phúc, Tâm, An, Khang. Xin chữ cho con cái, người ta xin chữ Trí. Xin chữ cho cha mẹ, người ta xin chữ Hiếu. Người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn... Nhiều người thích xin chữ Nhẫn (nhẫn nại, nhẫn chịu...) nhưng không phải chữ này hợp với tất cả mọi người bởi mỗi người lại có cái lý riêng để xin chữ Nhẫn.Chẳng hạn, một người mới lớn đừng nên vội vàng nhận vào mình chữ Nhẫn, bởi nó là con dao hai lưỡi sẽ giết chết cá tính và khiến con người trở nên ù lì. Người thành đạt xin chữ Nhẫn để cầu tỉnh táo, người mới có việc làm cũng xin chữ Nhẫn. Nhưng trẻ mẫu giáo, học sinh thì chữ Nhẫn không hợp. Cơ quan mà treo chữ Nhẫn dễ bị hiểu nhầm là thủ tiêu đấu tranh phê bình...

Tùy vào ngày tháng sinh nhật mỗi người thuộc cung hoàng đạo nào mà người ta cũng xin những chữ khác nhau.

1.    Bạch Dương (21/3 - 20/4): Là người nóng vội sốc nổi nên Bạch Dương nên xin chữ Nhẫn với mong ước chữ này sẽ đem lại cho cung hoàng đạo này sự bình tĩnh, cẩn thận, điềm đạm hơn khi xử lý một tình huống trong cuộc sống. Suy nghĩ kỹ càng giúp Bạch Dương tìm ra vấn đề tốt hơn và giải quyết nó một cách triệt để nhất.

2.    Kim Ngưu(21/4 - 21/5): Kim Ngưu xin chữ Đắc với mong muốn năm mới sẽ thành công, đắc lợi, đắc thành trong năm mới.

3.    Song Tử (22/5 - 21/6): Trong Song Tử luôn có những tính cách đối lập nhau, do vậy, chữ Tĩnh là chữ thích hợp nhất cho cung hoàng đạo này. Tĩnh để tĩnh tại, tĩnh tâm suy nghĩ nhiều hơn và tìm thấy những giây phút thanh thản hơn trong tâm hồn.

4.    Cự Giải (23/6 - 23/7): Cự Giải là cung hoàng đạo sống khá tình cảm, bao dung và chân thành nên xin chữ Tình trong năm mới để cầu mong các mối quan hệ của bản thân bền chặt và thân thiết hơn. Với chữ Tình, Cự Giải cũng mong muốn các mối quan hệ của mình phát triển và mở rộng hơn nữa.

5.    Sư Tử (24/7 – 23/8): Sư Tử nên xin chữ Lộc để năm mới rước tài lộc, phúc thọ vào nhà.

6.    Xử Nữ (24/8 – 23 /9): Xử Nữ là những người khá kỹ tính, chính vì thế lại hay lo xa. Vì thế, bạn nên xin chữ Đạt để hy vọng luôn giành được những điều mình mong muốn trong cuộc sống. Chữ Đạt cũng có thể giúp cho Xử Nữ có thêm động lực cố gắng hơn trong năm mới này.

7.    Thiên Bình (24/9 – 23/10): Thiên Bình là con người dễ bị do dự, chưa quyết đoán, chính vì thế mà hay gặp chướng ngại vật trong cuộc sống. Năm mới, cung hoàng đạo này hãy xin chữ Thuận để cầu an, cầu bình yên, cầu thuận buồm xuôi gió, không bị ngáng trở nhiều khó khăn nữa.

8.    Thần Nông (24/10 – 22/11): Thần Nông chính là tuýp người có tính ganh đua cực cao, chính vì thế chữ Minh hy vọng có thể giúp cung hoàng đạo này nhắc nhở bản thân nhiều hơn, luôn giữ sự minh mẫn, sáng suốt bên mình khi cạnh tranh để bản thân không bị lạc hướng.

9.    Nhân Mã (23/11 – 21/12): Nhân Mã là con người của gió mây với những quyết định sáng tạo và táo bạo. Chính vì thế, Nhân Mã có thể xin chữ Trí để ước mong một trí tuệ sáng suốt, đưa ra những quyết định đúng hướng, đúng thời điểm cho bản thân mình.

10.Ma Kết (22/12 – 20/1): Ma Kết luôn cảm thấy cô đơn và bất an vì có người không hiểu mình, vì thế chữ Phúc sẽ giúp Ma Kết năm mới nhận được nhiều lộc, nhiều hạnh phúc hơn. Ngoài ra, chữ Phúc cũng là một lời nhắc nhở cho Ma Kết nên quan tâm đến những người xung quanh hơn, bởi đơn giản là quan tâm đến người khác cũng là một loại hạnh phúc.

11. Bảo Bình (21/1 – 18/2): Bảo Bình là cung hoàng đạo có tham vọng, luôn thích thử sức. Vậy nên, hãy xin chữ Thành để năm mới luôn thành công trong những lĩnh vực mới.

12. Song Ngư (19/2 – 20/3): Vì Song Ngư luôn đa sầu, đa cảm, giữ cảm xúc bên trong con người của mình nên sẽ bị u uất do cảm xúc bị giam hãm quá lâu. Song Ngư hãy xin chữ An để năm mới an lành và bình ổn hơn trong tâm hồn.
Sau đây xin được giới thiệu ý nghĩa những chữ hay được xin trong ngày Tết:

1)Chữ Tài (才):

“Tài”, hay tài năng, là khả năng làm được những công việc, hoặc một nghề nào đó với chất lượng tốt và hiệu quả cao. Người có Tài luôn luôn có óc tìm tòi, sáng tạo cái mới, thường am hiểu lý thuyết chuyên sâu về một lĩnh vực và có năng lực thực hành giỏi. “Tài” chỉ thật sự có ích, có ý nghĩa xã hội và giá trị nhân văn, khi được xây dựng trên nền tảng chữ “Đức", chữ “Tâm”. Có được sự kết hợp hài hòa ấy và ở trình độ vượt trội so với đồng loại, mới đáng gọi là nhân tài!

2) Chữ Đức (德):

Đức trong đức độ.Chữ Đức được mọi người nhắc đến thường xuyên trong cuộc sống, trong sự dạy dỗ con cái khuyên răn con người sống cho phải đạo. Vậy chữ Đức này mang ý nghĩa gì?

Trong Kinh dịch việc xem tu dưỡng “Đức”còn quan trọng hơn nuôi dưỡng hình hài, vì thế mới nói “Dữ thiên đông Đức”có nghĩa Đức có giá trị ngang bằng với trời.

Trang tử trong Nam Hoa Kinh nói: “Đức sung y nội, nhĩ nhân hóa ư ngoại, tự nhiên cảm hóa, bất đắc giáo ngôn giả dã.”,có nghĩa Đức mà đầy đủ bên trong thì tự nhiên ứng hiện ra ngoài, thiên hạ nhờ đó mà tự hóa, đâu cần phải dùng ngôn ngữ lời nói để giáo hóa.

3) Chữ Tâm (心):

Làm việc gì mà cũng có "tâm" - đặt hết cả con tim và khối óc mình vào đó thì kiểu gì cũng sẽ thành công.

‘Tâm” được xem là một trong những phạm trù quan trọng, cơ bản của Phật giáo. Có thể khái quát thành 6 cấp độ về “Tâm”Phật giáo như sau:

1.“Tâm”là trái tim bằng xương, bằng thịt(Phật giáo không để ý đến nghĩa này);

2.“Tâm”là thức và theo nghĩa đó, nó chính là ý thông thường của con người;

3.Không chỉ là ý thức, “Tâm”còn là toàn bộ thế giới bên trong, cái chủ quan,tâm hồn, tình cảm, ý đồ, tinh thần, tâm lý. “Tâm”không chỉ là lý mà còn là tình;

4.Ở góc độ “Tâm”là thức thứ tám, thì nó bao gồm cả tiềm thức;

5.“Tâm”còn là tổng hợp của tất cả cái “Tâm”theo nghĩa thứ hai, thứ ba, thứ tư;

6.Trong phật giáo, “Tâm”còn là bản thể vũ trụ, đó chính là tâm thể, chân tâm.

Khi vào Việt Nam, hầu hết nghĩa của chữ “Tâm”vẫn được giữ lại. Vốn có cảm tình và ưa chuộng đạo Phật, nên người Việt Nam rất để cao chữ “Tâm”.Không phải ngẫu nhiên trong cuộc sống, người ta luôn khuyên nhau, hay câu cửa miệng của mọi người khi thấy người khác lo lắng thì nói hãy “Yên tâm”, “An tâm”.

4) Chữ Phúc(福):

Chữ Phúc tiêu biểu cho may mắn sung sướng, thường dùng trong từ ngữ hạnh phúc. Người Á Đông, từ lâu đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ Phúc, mà ngày nay người ta còn thấy nhiều trong vật tranh trí, trong kiến trúc và cả trên y phục.

Ngày tết nguyên đán, người Trung Quốc có tục treo thuận hoặc treo ngược chữ Phúc ở trên cửa. Có hai truyện truyền kỳ giải thích truyện này. Truyện thứ nhất là truyện từ đời nhà Minh (1368-1644) về chữ Phúc viết thuận. Một hôm Minh Thái Tổ, Chu Nguyên Chương vi hành tới một thị trấn nhỏ. Nhà vua thấy một đám đông người cười rỡn bên một bức họa. Tới gần, nhà vua thấy đó là một bức vẽ một bà già có bàn chân lớn quá khổ, tay ôm một trái dưa hấu.Nhà vua nhận ra bà già này chính là hoàng hậu. Nổi giận, nhà vua sai quân hầu theo dõi từng người trong đám người hỗn sược này về tận nhà, và viết chữ Phúc trên cửa, để ngày mai nhà vua sẽ phái quân tới bắt. Trở về hoàng cung, nhà vùa kể lại truyện này cho hoàng hậu. Sáng mai quan quân tới sau, không còn cách nào nhận ra được những ai là kẻ bị nhà vua cho lệnh tới bắt. Từ đó người ta tin rằng chữ Phúc, viết có thể làm bùa hộ mệnh cho mọi người.

Truyện thứ hai là truyền thoại từ đời nhà Thanh (1661-1911) về chữ Phúc viết hay treo ngược. Chiều ba mươi tết, quan phủ lý của thái tử Cung Thân, cho lệnh treo chữ Phúc trên cửa những chính ra vào đông cung. Có một tên lính hầu không biết chữ, treo ngược chữ Phúc. Thái tử nhìn thấy, nổi giận định trừng phạt tên lính hầu này. Quan phủ lý vốn là người giầu từ tâm, liền nghĩ ra cách gỡ tội cho tên lính hầu. Quan còn biết lòng thái tử khao khát may mắn để sớm lên ngôi báu. Ngài tâu thái tử: chữ Phúc treo ngược là chữ Phúc đảo, 倒, theo tiếng Trung Quốc đồng âm với chữ đáo 到, nghĩa là tới. Vậy chữ Phúc treo ngược là điềm báo phúc đang tới. Thái tử hài lòng, không những không trừng phạt tên lính hầu mà còn trọng thưởng qua phủ lý và ban cho mỗi tên lính hầu năm lạng bạc. Quả là phúc đã tới với đám người này trong đêm trừ tịch đó.

5) Chữ Lộc(禄 ):

Lộc tức là Quan!Lộc, có thứ của Vua ban, có loại của Dân biếu. Vua ban để ghi nhận công lao của bầy tôi đã chí công vô tư, thay Vua cai quản, chăn dắt đám đông dân chúng dưới quyền!Còn dân kính biếu quan, để bày tỏ lòng biết ơn về một công việc gì đó, quan đã vì quyền lợi chính đáng của dân mà làm. Như vậy hoàn toàn có thể nói: Lộc chính là sự ghi nhận công lao của các Quan: Công lao với Dân và công lao với Vua, với nước. Có công lao thì có Lộc.

6) Chữ Thọ(寿):

Theo Kinh Thi, ban đầu chữ Thọ là lời chúc tụng cho sự nghiệp của các bậc vua chúa nhưng về sau đã chuyển thành lời chúc muôn người. Thọ nghĩa là sống lâu trăm tuổi, ước mong có một cuộc sống hạnh phúc.

Có thể nói, người sống thọ là người có học hành, hiểu biết, có kiến thức kinh nghiệm sống để phòng tránh bệnh tật, luôn sớm quan tâm đến ăn uống và đời sống tinh thần, lao động trí óc cũng như chân tay và sinh hoạt nghỉ ngơi phải hài hòa, điều độ, hợp lý, còn nếu ngược lại không thực hiện theo ý nghĩa chữ thọ là người hay bệnh, thọ yểu.

7) Chữ Hiếu (孝):

Được ghép từ chữ Tử (子 - con) nằm dưới và chữ Thổ (土 - đất) nằm trên, cùng với dấu / tượng trưng cho thanh kiếm - ý chỉ con chống kiếm đứng trông phần mộ của bố mẹ. Điều này đúng với quan niệm ngày xưa, khi bố mẹ mất thì người con có hiếu tức là phải chăm lo phần mộ của bố mẹ trong vòng 3 năm. Chữ Hiếu mang ý biết ơn và trân trọng công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà.

8)Chữ Nhẫn (忍):

Chữ Nhẫn bao gồm chữ Đao (刀 - con dao, cây đao) ở trên chữ Tâm (心 - trái tim, tâm trí) - chữ Đao biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động; chữ Tâm biểu trưng cho tâm hồn, mang tính chủ quan, tự do. Trạng thái nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải chịu đựng, không được hành xử hấp tấp vì sẽ làm cho mũi dao lún sâu hơn, phải bình tĩnh xử lý.

Nhẫn là độ lượng, khoan dung, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại...Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người.

Khổng tử xưa đã nói: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu”(Việc nhỏ mà không nhẫn được, thì việc lớn ắt sẽ hỏng).

Nếu bạn không biết giữ được cho mình một chữ nhẫn, lúc nào đầu óc bạn cũng căng ra, bạn có thể phản ứng ngay tức khắc các vấn đề vừa xảy ra một cách nông nổi, thiếu suy nghĩ...

Gặp chuyện khó chịu, không may, tức khắc lửa nổi lên, nếu nhẹ thì chỉ bộc lộ ra sắc mặt, hành động nóng nảy, nhưng nặng và đáng sợ hơn nữa, đó là để chất chứa trong lòng.Nhẫn được chính là vàng.

9) Chữ Đạo (道):

Không chỉ mang nghĩa là đường đi, chữ này mang trong mình ý nghĩa vô cùng lớn lao - đó là lẽ phải, luân thường, đạo lý. Cũng như Lão Tử (người sáng lập Đạo giáo của Trung Hoa) từng nói rằng: Chữ đạo đạt đến “vô vi”.

10)Chữ An (安):

Bao gồm bộ Miên (宀- mái nhà, mái che) và bộ Nữ (女- nữ giới, con gái) - ý nói người con gái ở trong gia đình thì rất an toàn. Vì vậy, An mang nghĩa an toàn, bình an.

11)Chữ Thành (成):

Thành trong hoàn thành, ý nói làm chuyện gì cũng trọn vẹn.

12)Chữ Phú (富):

Gồm bộ Miên (宀 - mái nhà), bộ Khẩu (口- miệng, miệng ăn) và chữ Điền (田- ruộng) - ý chỉ nhà chỉ có 1 miệng ăn, lại có 1 thửa ruộng thì chắc chắn giàu có. Chữ này thể hiện mong muốn ấm no, sung túc.

13)Chữ Cát (吉):

Thể hiện mong muốn mọi sự đều tốt đẹp. Chữ này gồm chữ Sĩ (sĩ tử, người có chí khí) ghép với bộ Khẩu (miệng) - ý chỉ những lời kẻ sĩ nói ra đều là lời hay ý đẹp.

Xin chữ là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, không phải thứ xô bồ, cẩu thả. Xin chữ tùy quan điểm, mong ước về những giá trị của cuộc sống, nhưng dù xin chữ gì, điều đầu tiên mỗi người phải tự hiểu mình và cố gắng vì điều mình mơ ước. Nếu xin chữ treo lâu dài trong nhà, xin chữ làm hoành phi, câu đối thì ta cần tìm đến các nhà Hán học uyên thâm, các nhà thư pháp chuyên nghiệp để bảo đảm hay cả về ý nghĩa, nội dung và đẹp về hình thức. Xin chữ và cho chữ đầu năm không chỉ là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh mà còn tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng khi mọi người cùng nhau hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Mỗi chữ thư pháp ngoài ước mong của người xin, tài đức của người cho thì cần chính sự thành tâm, hướng thiện của con người để phong tục đẹp này được gìn giữ với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Hà Nội, ngày 7 tháng 1 năm 2016

Th.s Vũ Thị Minh Huyền